Italy tăng thuế nhằm đối phó khủng hoảng nợ công

Italy quyết định tăng thuế với các tài khoản đầu tư và giảm phúc lợi nhằm ngăn chặn nguy cơ nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ công.
Ngày 11/8, Italy đã công bố các biện pháp tăng thuế đánh vào các tài khoản đầu tư và giảm phúc lợi như một biện pháp ngăn chặn nguy cơ nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ công.

Phát biểu tại cuộc họp Quốc hội, được triệu tập sớm hơn dự kiến sau thời gian nghỉ Hè, Bộ trưởng Tài chính Giulio Tremonti cho biết Italy cần thực hiện các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" rất mạnh mẽ trong năm 2012 và 2013.

Trong bối cảnh tình hình khủng hoảng nợ công trong Khu vực đồng euro đang ngày càng nghiêm trọng, và thị trường cổ phiếu khu vực trở lên hỗn loạn, chính phủ buộc phải đẩy nhanh tốc độ thực hiện các biện pháp khắc khổ này.

Chính phủ cũng đang lập kế hoạch để xúc tiến việc cổ phần hóa các dịch vụ công cộng ở các địa phương và giảm chi tiêu trong khu vực hành chính nhằm cân bằng ngân sách vào năm 2013, sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.

Ông Tremonti cũng cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gửi danh sách các chỉ dấu nhằm buộc Italy phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm chi tiêu và cân bằng ngân sách.

Những yêu cầu của ECB đề cập việc giảm lương trong khu vực nhà nước và cải cách luật lao động. Tuy nhiên, ông khẳng định Rome không nhất thiết phải thực hiện tất cả những thay đổi này.

Quốc hội Italy cũng đang thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp nhằm giúp chính phủ đáp ứng thời hạn về cân bằng ngân sách.

Tuy nhiên, các nghị sỹ phe đối lập chỉ trích các đề xuất của chính phủ không chi tiết trong khi báo chí nước này kêu gọi chính phủ đưa ra các biện pháp cụ thể hơn nhằm tránh để xảy ra một cơn hoảng loạn mới trên thị trường tài chính thế giới.

Tuần trước, thị trường cổ phiếu thế giới bị một phen chao đảo sau khi xuất hiện những đồn đoán về nguy cơ vỡ nợ công ở Italy và Tây Ban Nha.

Theo các số liệu do ECB công bố ngày 11/8, các ngân hàng đã tăng cường sử dụng khả cho vay tới hạn của ECB lên mức cao nhất trong ba tháng qua.

Đây được xem là một dấu hiệu cho thấy sự gia tăng căng thẳng trên các thị trường cho vay liên ngân hàng.Các ngân hàng thương mại vay ECB 4,06 tỷ euro (5,75 tỷ USD) trong ngày 10/8, tăng so với chỉ 147 triệu euro ngày hôm trước, với lãi suất cứng 2,25%.

Mức vay mượn này tăng cao nhất kể từ ngày 10/5 và xảy ra khi các thị trường tài chính thế giới hỗn loạn vì mối lo ngại khủng hoảng nợ công ở Mỹ và Khu vực đồng euro có thể đẩy thế giới vào một thời kỳ suy thoái mới.

Theo các nhà phân tích, sự gia tăng sử dụng khả năng cho vay tới hạn của ECB chứng tỏ các thị trường đang lo lắng với những lời đồn đoán rằng công ty dịch vụ tài chính lớn nhất châu Âu Societe Generale đang đối mặt với nhiều khó khăn do bị tác động bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục