Italy: Uy tín của chính phủ và đảng cầm quyền tăng trở lại

Chính phủ Italy hiện đạt sự ủng hộ của 46% cử tri, tăng 3% so với tháng 11 vừa qua, còn tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Pd cũng đã tăng 0,7% lên 37%.

Sự suy thoái niềm tin của các cử tri vào chính phủ và đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền đã chững lại trong tháng cuối cùng của năm 2014, bất chấp sự phản đối của các nghiệp đoàn vào đạo luật cải cách lao động và cuộc bê bối mafia thâm nhập chính quyền thủ đô.

Điều này có thể hứa hẹn những hy vọng mong manh cho một năm 2015 không hề dễ dàng.

Đó là kết luận mà không ít nhà bình luận chính trị Italy đã đưa ra sau khi Viện nghiên cứu dư luận có uy tín Demos công bố kết quả thăm dò của họ trên nhật báo hàng đầu La Repubblica hôm 21/12.

Theo cuộc thăm dò này, Chính phủ Italy hiện đạt sự ủng hộ của 46% cử tri, tăng 3% so với tháng 11 vừa qua, tháng mà họ mất 13 điểm so với tháng trước đó.

Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Pd cũng đã tăng 0,7% lên 37%. Mặc dù vậy, Thủ tướng Italy Matteo Renzi đang chứng kiến tháng thứ ba liên tiếp sút giảm tỷ lệ ủng hộ của cử tri, từ 62% trong tháng 10 năm nay xuống 52% tháng trước và hiện tại, con số này là 50%.

Theo nhà phân tích Ilvo Diamanti, chính phủ và đảng Pd đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất của họ kể từ nắm chính quyền vào tháng Hai năm nay.

Đạo luật cải cách lao động, cho phép các doanh nghiệp sa thải người lao động dễ dàng hơn, cùng với scandal mafia ở thủ đô Rome đã khiến uy tín của họ xuống thấp chưa từng có, kể từ khi lên đỉnh, sau chiến thắng ở cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng Năm năm nay.

Việc chính phủ vẫn tận dụng được ưu thế đa số trong hai viện Quốc hội để yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm nhằm thông qua các quyết sách của họ cho thấy chính phủ và đảng Pd vẫn rất mạnh. Tuy nhiên, theo báo chí Italy, ưu thế này chưa chắc đã được duy trì trong năm mới 2015, khi chính phủ đối mặt với nhiều thách thức hơn.

Về phần Thủ tướng Renzi, nhà bình luận này cho rằng, ông đã đánh mất nhiều sự ủng hộ trong các nghiệp đoàn lao động, vốn theo truyền thống thuộc về cánh tả và các cử tri của Pd. Tuy nhiên, ông vẫn giữ sự ủng hộ cao do tận dụng sự suy thoái của Forza Italia, đảng của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Ngược lại, Matteo Salvini, lãnh tụ của Liên đoàn Phương Bắc, đảng cực hữu có xu hướng bài ngoại, chống nhập cư và đòi Italy rời khỏi khu vực dùng đồng tiền chung euro, cũng giành được cảm tình của nhiều cử tri Pd bất mãn với Renzi và chính phủ.

Trong tháng 12 này, uy tín của Salvini đã tăng thêm 5%, từ 30% lên 35%, giúp ông trở thành chính trị gia đối lập lớn nhất với Renzi. Cựu thủ tướng Berlusconi tụt 2 điểm, từ 22% xuống còn 20%. Trong khi đó, Grillo, người đứng đầu Phong trào 5 sao, từng là lực lượng lớn thứ hai sau cuộc tổng tuyển cử 2013 chỉ còn 17%, tụt 1 điểm so với tháng trước.

Cũng theo điều tra của Demos, đa số cử tri được hỏi tin rằng, một trong những vấn đề lớn nhất đối với Italy hiện tại không phải là khủng hoảng về kinh tế và niềm tin mà là tham nhũng.

Sau khi bê bối mafia thủ đô bùng nổ, với việc hơn 100 người, nhiều trong đó là quan chức thành phố Rome bị mafia mua chuộc để thâu tóm các gói thầu xây dựng trị giá nhiều triệu euro, nhiều người cho rằng, mức độ tham nhũng ở Italy hiện tại đã vượt xa vụ scandal Tangentopoli những năm đầu thập niên 1990.

Những vụ bê bối này, với việc cả trăm chính trị gia và quan chức bị bắt vì tội nhận hối lộ, đã khiến đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền rơi vào suy thoái và nền Cộng hòa thứ hai sụp đổ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục