Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án cho Việt Nam phù hợp với chủ trương "cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Trong thời gian tới, những dự án hợp tác của JICA tập trung cho “Đối phó với dịch bệnh COVID-19” và “Phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.”
Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) văn phòng Việt Nam chia tại buổi “Họp báo trực tuyến Giữa kỳ của JICA Việt Nam năm tài khóa 2021,” sáng 21/10.
Hợp tác đối phó COVID-19
Theo ông Shimizu Akira, trong tài khóa 2020 (từ tháng 4/2020-3/2021), JICA Việt Nam đã cam kết cho vay khoảng 100 dự án với giá trị 49,4 tỷ yên (khoảng 10.041 tỷ đồng) và hợp tác kỹ thuật không hoàn lại là 4,3 tỷ yên (khoảng 874 tỷ đồng), viện trợ không hoàn lại là 2,1 tỷ yên (khoảng 427 tỷ đồng).
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trở lại lần thứ 4 và trên diện rộng, Nhật Bản cũng đã nỗ lực giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cụ thể, đó Nhật Bản đã tặng hơn 4 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam đồng thời hơn 260 công ty Nhật Bản ủng hộ hơn 158,6 tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19.
Trong thời gian tới JICA sẽ tiếp tục tài trợ, hợp tác với Việt Nam đối phó với dịch bệnh COVID-19, trong đó chú trọng tăng cường hệ thống y tế với 2 ưu tiên trọng điểm.
Đầu tiên là tăng cường hệ thống y tế nòng cốt cho các bệnh viện tuyến trên. Cụ thể, JICA tiếp tục triển khai các dự án tăng cường năng lực cho các bệnh viện ở các đô thị lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế và tăng cường hệ thống y tế toàn diện (bao gồm cả tăng cường năng lực và trang bị cho các bệnh viện tuyến dưới).
“Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư ở miền Trung và miền Nam, nhân viên y tế tại các bệnh viện này đã đóng góp công sức vào công cuộc hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. JICA sẽ tận dụng các kinh nghiệm tích lũy trong các hợp tác từ trước đến nay, tìm kiếm các khả năng hợp tác mới để có thể góp phần củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế hiệu quả hơn nữa,” ông Shimizu Akira nói.
Ưu tiên trọng điểm thứ hai, đại diện JICA cho biết sẽ tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm.
Trước đó vào năm 2006, Nhật Bản đã hoàn thành lắp đặt phòng an toàn sinh học cấp 3 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE). Thời gian tiếp theo, JICA đã và đang hỗ trợ xây dựng phòng xét nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực cho Viện Pasteur-Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường năng lực xét nghiệm và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.
JICA cũng viện trợ cho Bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương hệ thống xét nghiệm PCR, Bệnh viện Bạch Mai hệ thống điều hòa không khí nhằm phòng ngừa lây nhiễm, Bệnh viện Trung ương Huế hệ thống ECMO, trang thiết bị cần thiết trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy với tổng trị giá các lần viện trợ là hơn 450 triệu yên (khoảng 91 tỷ đồng) nhằm đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch COVID-19 tại Việt Nam.
“Tổng cộng số tiền viện trợ của các dự án này là 800 triệu yên (khoảng 163 tỷ đồng),” ông Shimizu Akira cho hay.
Hỗ trợ kết nối giao thông trọng điểm
Về phục hồi kinh tế trong bối cảnh COVID-19, ông Shimizu đánh giá Việt Nam đã bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đồng thời phòng chống dịch, trong đó cân bằng giữa phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong phục hồi kinh tế.
Về phía mình, JICA sẽ hỗ trợ các dự án tăng cường kết nối giao thông giữa các địa phương, cải tạo và xây dựng lại nhiều cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc các tỉnh thành trên toàn quốc (như cầu trên tuyến đường sắt Bắc Nam, cầu Kẻ Nậm ở tỉnh Nghệ An, gần biên giới Việt Nam-Lào...)
“Khoảng 70% các tuyến đường quốc lộ của Việt Nam được đầu tư cải tạo thông qua hợp tác vốn vay ODA Nhật Bản. Các dự án hoàn thành giúp tăng cường kết nối ASEAN, chuỗi cung ứng hàng hóa và giúp người dân đi lại thuận tiện, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các nhà máy nước ngoài đầu tư vào các địa phương,” ông Shimizu Akira nói.
Ngoài ra, để đáp ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế và gia tăng dân số, JICA cho biết đã và đang triển khai các dự án góp phần cải thiện đời sống của người dân Việt Nam, với các dự án xây dựng nhà máy điện, đường cao tốc lớn ở các đô thị vệ tinh, nhà máy xử lý nước...
Cụ thể, các hợp tác của Nhật Bản đã đóng góp khoảng 10% tổng sản lượng điện của Việt Nam. Tháng 5/2021, JICA cũng đã ký kết thỏa thuận cho vay Dự án điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị, thúc đẩy cung cấp năng lượng sạch nhằm trung hòa carbon.
Riêng đối với dự án Xây dựng đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã bị đình trệ một thời gian do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ông Shimizu cho biết hiện nay, dự án đã được thi công trở lại và sớm hoàn thành, để đi vào hoạt động phục vụ cho người dân.
“Dịch COVID-19 đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt thường nhật của mỗi người. Cuộc sống của người dân bị đảo lộn, nhiều lao động bị mất việc làm. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng. Nhằm giúp Chính phủ thực hiện những hỗ trợ đó, JICA cũng đang nghiên cứu các chương trình hợp tác hỗ trợ tài chính trong thời gian tới¸” ông Shimizu Akira cho biết thêm./.