Ngày 28/11, Jordan cho biết đã lựa chọn 5 tập đoàn quốc tế để triển khai giai đoạn I dự án xây dựng con kênh đào đầu tiên nối Biển Đỏ với Biển Chết trị giá nhiều tỷ USD.
Trong một tuyên bố, Bộ Nguồn nước và Thủy lợi Jordan cho biết 5 tập đoàn đã được chọn ra trong tổng số 20 hãng dự thầu từ châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.
Giai đoạn đầu của dự án bao gồm xây dựng một hệ thống dẫn nước để đưa 300 triệu m3 nước biển từ Biển Đỏ tới Biển Chết.
Ngoài ra, Jordan cũng sẽ xây dựng một nhà máy khử nước muối biển có công suất 65-85 triệu m3 mỗi năm nhằm cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp.
Các chuyên gia đã cảnh báo rằng Biển Chết - nơi có độ mặn cao nhất và lượng nước biển thấp nhất trên thế giới, đang trong quá trình khô hạn và bị thu hẹp dần.
Quá trình thu hẹp của Biển Chết bắt đầu từ những năm 1960 khi Israel, Jordan và Syria bắt đầu chặn dòng nguồn nước từ sông Jordan bằng các đập thủy lợi, vốn là nguồn cung cấp nước chính cho Biển Chết.
Nước là một nguồn tài nguyên quý hiếm ở Jordan, nơi có tới 92% lãnh thổ là sa mạc. Đất nước Trung Đông này có khoảng bảy triệu người và dân số đang tăng trưởng nhanh, trong khi phải đối mặt với làn sóng người tị nạn từ Syria.
Một số tổ chức môi trường đã cảnh báo rằng dự án xây dựng kênh đào dẫn nước biển vào Biển Chết có thể làm suy yếu hệ sinh thái mong manh của Biển Chết.
Dự án đầy tham vọng này có trị giá 1,1 tỷ USD nhằm cung cấp nước cho Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ Palestine đã được ấp ủ trong suốt hơn một thập kỷ qua.
Trong năm 2005, Jordan, Israel và Palestine đã ký một thỏa thuận để bắt đầu các nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng "Kênh đào hai biển." Việc xây dựng con kênh dẫn nước này đã trở nên khả thi vào tháng 12/2013 sau khi ba nước ký kết một thỏa thuận chia sẻ nguồn nước./.