Số phận của người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange, sẽ được định đoạt trong ngày thứ Tư tới khi Tòa án tối cao Anh ra phán quyết cuối cùng về việc có dẫn độ ông từ Anh sang Thụy Điển hay không.
Cơ quan tư pháp tối cao của Anh là cơ hội cuối cùng để Assange kháng án theo luật Anh. Ông đã bị quản thúc ở đây từ tháng 12/2010 theo một lệnh bắt có hiệu lực trên toàn châu Âu.
Assange bị cảnh sát Thụy Điển truy nã với các cáo buộc hiếp dâm và xâm hại tình dục. Kể từ đó, nhân vật 40 tuổi người Australia này đã trải qua nhiều cuộc chiến pháp lý cam go, lên tới tận Tòa án tối cao Anh.
Phán quyết cuối cùng dự kiến đọc trong 10 phút vào lúc 9 giờ 15 sáng ngày thứ Tư, được truyền hình trực tiếp trên hãng tin Sky News và các trang mạng.
Assange đã bị quản thúc 540 ngày cho tới khi phán quyết được đưa ra.
Kháng án của Assange và các luật sư dựa trên một điểm duy nhất rằng công tố viên ở Thụy Điển ra lệnh bắt không có quyền pháp lý thực hiện điều đó.
Chánh án Tòa tối cao sẽ tóm tắt quan điểm của bị đơn, quyết định của tòa và giải thích ngắn gọn về quan điểm của tòa.
Một tòa án cấp thấp hơn ở Anh trước đó chấp thuận dẫn độ Assange về Thụy Điển hồi tháng 2/2011.
Một đơn kháng án bị Tòa thượng thẩm từ chối vào tháng 11, nhưng sau đó một đơn kháng án khác đã được Tòa án tối cao đồng ý xem xét.
Assange nói ông lo sợ rằng phán quyết cho phép dẫn độ sẽ khiến ông bị dẫn độ tiếp sang Mỹ, nơi ông có thể đối diện với mức án nặng.
Trước đó, binh sỹ Mỹ Bradley Manning đã bị truy tố ra tòa án binh vì những tài liệu mà anh này bị cáo buộc trao cho WikiLeaks.
Tòa án tối cao là tòa cuối cùng trong bậc thang tư pháp ở Anh trong xét xử các vụ dân sự, đảm nhận các vụ án ở England, Wales và Bắc Ireland. Tòa cũng thụ lý các vụ được dư luận đặc biệt chú ý hoặc có tầm quan trọng mang tính lập hiến ảnh hưởng tới toàn bộ người dân.
Trụ sở tòa nằm trên quảng trường Parliament ở trung tâm London, đối diện với Quốc hội Anh. Những người ủng hộ WikiLeaks dự kiến sẽ tập hợp đông đảo trước trụ sở tòa để bày tỏ sự ủng hộ với Assange./.