Kế sách đối phó lâu dài của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại

Trung Quốc đã quyết định đối phó với một loạt đối thủ lớn hiện nay bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường toàn cầu, tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra nhu cầu từ thị trường trong nước.
Kế sách đối phó lâu dài của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng scmp.com, trong vài tuần qua, truyền thông ở Trung Quốc Đại lục xôn xao về chiến lược “lưu thông kép” mới của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Điều này trái ngược với “lưu thông quốc tế lớn” được xây dựng dựa trên chế biến xuất khẩu và là yếu tố định hình sự phát triển kinh tế từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, và “lưu thông nội địa” làm nền tảng cho thời kỳ bài ngoại hướng nội của Mao Trạch Đông.

Tờ China Daily đưa tin tại một hội nghị chuyên đề vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng Trung Quốc “sẽ khai thác tất cả tiềm năng của nhu cầu trong nước, cải thiện kết nối giữa thị trường trong nước và quốc tế, sử dụng tốt hơn các nguồn lực và hai thị trường (trong nước và quốc tế) để thúc đẩy phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn.”

Nói tóm lại, Trung Quốc đã quyết định đối phó với một loạt đối thủ lớn hiện nay bằng cách giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường toàn cầu, tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra nhu cầu từ thị trường tiêu dùng trong nước và xây dựng khả năng tự lực tự cường về công nghệ càng nhanh càng tốt.

Có lẽ không có gì ngạc nhiên khi các sáng kiến tương tự đang được thực hiện ở Mỹ và châu Âu vì nhiều người cảm thấy phụ thuộc quá mức vào các sản phẩm của Trung Quốc, từ phụ tùng ôtô, công nghệ 5G và thiết bị y tế đến đất hiếm và pin xe điện, và bị thúc đẩy bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) để ưu tiên tính tự lực tự cường.

[Tổng thống Mỹ nhận định về đàm phán thương mại với Trung Quốc]

Thời điểm chính thức công bố chiến lược kinh tế quốc gia mới này có lẽ không phải do ông Tập Cận Bình lựa chọn. Đó là hành động cần thiết, định hình một phản ứng khẩn cấp và thiết yếu trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ quốc tế, cuộc chiến công nghệ chống Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ của Mỹ và những tác động suy thoái của đại dịch. 

Ở Trung Quốc, chuỗi cung ứng ngắn hơn vì nhiều công đoạn sản xuất được đưa vào đất liền và tập trung mạnh mẽ vào phát triển các công đoạn có giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị mà cho đến nay vẫn được giao cho những công ty công nghệ cao hàng đầu ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.

Gọi đây là phiên bản miễn cưỡng của “sự tách rời” khỏi Trung Quốc vì nó phản ánh nỗ lực của Mỹ và châu Âu (ít cứng rắn hơn) nhằm kiềm chế thách thức từ Trung Quốc.

Kỳ vọng nhiều hơn nữa về việc thương mại quốc tế của Trung Quốc sẽ tập trung vào các nền kinh tế đang phát triển dọc theo các tuyến đường thương mại của kế hoạch "Vành đai và Con đường" (BRI) và nền kinh tế toàn cầu được chia thành ba. Đó là một chiến lược được thiết lập cho dài hạn.

Sự thành công sâu rộng của chính sách mở cửa đã giúp hàng trăm triệu người ở Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo, có nghĩa là đội ngũ của ông Tập Cận Bình vẫn hoàn toàn tham gia sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, đừng mong đợi quá trình tách ra sẽ hoàn tất hoặc diễn ra nhanh chóng.

Và bất chấp lập trường hiếu chiến của Washington, Yukon Huang và Jeremy Smith của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế đã viết trên tờ Post hồi tháng Sáu vừa qua rằng “sự phụ thuộc của Mỹ vào ngành sản xuất châu Á đã bám rễ rất sâu và (đã) ổn định đáng kể theo thời gian.”

Tuy nhiên, đội ngũ của Tập Cận Bình cũng nhận ra rằng Trung Quốc là một trong số ít các nền kinh tế do Mỹ và EU dẫn dắt đã tạo ra khối lượng quan trọng - cả về dân số với 1,4 tỷ dân và sức mua của tầng lớp trung lưu - để có thể dựa nhiều vào nền kinh tế trong nước của họ để tăng trưởng bền vững và trở thành cái mà một số người gọi là “vương quốc Galapagos,” với các hệ thống và tiêu chuẩn riêng biệt của họ phục vụ người dân trong nước, nhưng không thể dễ dàng kết nối với các khu vực khác trên thế giới.

Bài kiểm tra quan trọng của Trung Quốc khi nước này phát triển nền kinh tế “lưu thông kép” sẽ là liệu thị trường tiêu dùng trong nước (5,5 nghìn tỷ USD năm 2018) và thị trường tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đang phát triển (thu nhập bình quân hộ gia đình ở thành thị vào khoảng 6.000 USD hồi năm ngoái) có cung cấp khối lượng quan trọng hay không để duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ngay cả khi các cơ hội thương mại quốc tế bị đình trệ hoặc thu hẹp.

Tưởng tượng rằng khái niệm “lưu thông kép” này chỉ mới được hình thành gần đây là ngây thơ. Kể từ năm 2010, các quan chức Bắc Kinh đã nhận thấy các nhà đầu tư nước ngoài chỉ “ban” cho Trung Quốc những khâu được trả lương thấp nhất, ít có giá trị gia tăng nhất trong chuỗi giá trị của họ với mục đích tận dụng chi phí lao động rẻ của Trung Quốc để giữ cho giá thành các sản phẩm tiêu dùng và các nguyên liệu đầu vào công nghiệp khác càng rẻ càng tốt cho người tiêu dùng Mỹ.

Vào thời điểm đó, các quan chức Trung Quốc nhận ra rằng họ chỉ có thể phát triển thị trường tiêu dùng nội địa mạnh của riêng mình nếu họ có thể phát triển tầng lớp trung lưu tiêu dùng - vốn sẽ đòi hỏi mức lương cao hơn và do đó phải có nhiều công việc có giá trị gia tăng cao hơn được thực hiện ở Trung Quốc. Đáp lại, họ đang thực hiện các khâu có giá trị gia tăng cao hơn nhanh nhất có thể và sẽ tiếp tục.

Lo ngại về sự phụ thuộc vào đầu vào công nghệ cao của nước ngoài đã xuất hiện nhiều hơn trong thời gian gần đây, và chắc chắn đã tạo động lực mới cho những người muốn Trung Quốc đi đầu trong tất cả các lĩnh vực công nghệ được coi là quan trọng. Chúng ta phải xem đây là hậu quả lâu dài không thể thay đổi của hành vi bất thường của chính quyền Trump.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc vẫn còn tụt hậu đáng kể trong một số lĩnh vực, nhưng cách đối xử gần đây với Huawei và nhiều hãng công nghệ khác của Trung Quốc khiến Bắc Kinh có khả năng sẽ tập trung không ngừng vào việc làm sao để cuối cùng cũng đảm bảo khả năng tự chủ về công nghệ.

Không chắc “thời điểm của sự thật” chiến lược này đã đến sớm hơn những gì Tập Cận Bình mong muốn, nhưng hiện ông hy vọng thị trường tiêu dùng trong nước đủ lớn và các công ty Trung Quốc đã tiến đủ xa trong chuỗi cung ứng để có giá trị gia tăng cao - và công việc được trả lương cao - cho lực lượng lao động của họ, và đủ năng lực công nghệ đã được xây dựng để cạnh tranh ngang hàng với hầu hết các đối thủ nước ngoài trên một sân chơi bình đẳng.

Bất chấp những đe dọa và lôi kéo từ Nhà Trắng của Trump để thuyết phục các công ty Mỹ quay về nước, Phòng Thương mại Mỹ ở Bắc Kinh cho biết chỉ 2% số thành viên được hỏi ý kiến có thể cân nhắc rời thị trường Trung Quốc.

Nhiều hãng sản xuất có thể bị buộc phải áp dụng chiến lược “ở Trung Quốc, vì Trung Quốc” bất chấp sự kém hiệu quả sẽ phát sinh, nhưng ít người tỏ ra sẵn sàng bước ra khỏi nền kinh tế vốn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong hai thập kỷ qua.

Như Yukon Huang đã kết luận: “Mặc dù những luồng gió thay đổi chắc chắn đang thổi qua, nhưng việc duy trì hiện trạng quan hệ Mỹ-Trung vẫn đang tồn tại, và điều này có thể sẽ xoa dịu nỗi sợ hãi về viễn cảnh ngày tận thế”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục