Sau 10 năm vận hành Trường Mỹ thuật Đông Dương (L’Ecole des Beaux-Arts de L’Indochine) tại Hà Nội, Hiệu trưởng Victor Tardieu tuyên bố: Trường phái Hà Nội từ đây sẽ ngang hàng với Tây Ban Nha hay Hà Lan.
Quả thực, Việt Nam đã có một trường đào tạo mỹ thuật bậc đại học chính quy, bài bản đầu tiên, tạo ra những tên tuổi lớn của nghệ thuật nước nhà. Cho đến nay, thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương vẫn là một mốc son chói lọi trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, là cầu nối để thế giới biết đến nghệ thuật Việt Nam.
Hào quang rực rỡ của nghệ thuật Việt
Theo lịch sử ghi chép lại, Victor Tardieu (1870-1937) là một họa sỹ Pháp, nhờ giành được giải thưởng hội họa mà có dịp du lịch đến Đông Dương năm 1921. Cơ duyên của ông và Việt Nam bắt đầu từ đó.
Tháng 4/1924, ông gửi một báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin, kiến nghị thành lập một trường mỹ thuật.
Ông viết: “Vào đầu thế kỷ 12, sự tái sinh dân tộc An Nam dường như đã mang lại cảm hứng đặc biệt và ban sơ cho các nghệ sỹ của đất nước này. Họ không còn đơn giản sao chép các hình thức Trung Quốc… Vào đầu thế kỷ 19, người An Nam dường như đã tìm ra những hình thức nghệ thuật hoàn hảo nhất... Trên thực tế, về cơ bản nó luôn là An Nam và các tác phẩm đặc trưng vẫn phát triển một cách độc lập. Rõ ràng là người An Nam rất có năng khiếu về nghệ thuật, với những người thợ thủ công khéo léo và chăm chỉ. Họ chỉ thiếu trình độ mà thôi.”

Từ kiến nghị của Victor Tardieu, Blanchard de la Brosse - quyền Giám đốc Nha Học chính Đông Dương, ngày 10/10/1924, đã ký Tờ trình đề nghị Toàn quyền Đông Dương phê chuẩn Dự thảo Nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Ngày 27/10/1924, Toàn quyền Đông Dương đã ký Nghị định thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội. Victor Tardieu là vị hiệu trưởng đầu tiên. Họa sỹ Nam Sơn (Nguyễn Vạn Thọ) là cộng sự đắc lực và tâm huyết của Victor Tardieu.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Đặng Thị Phong Lan, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, lễ khai giảng khóa đào tạo đầu tiên diễn ra vào tháng 11/1925, trở thành mốc son đánh dấu sự ra đời và quá trình phát triển của Trường Mỹ thuật Đông Dương, nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Theo bà Lan, Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời là tiền đề cho sự khởi dựng nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại với lĩnh vực hội họa, đồ họa và điêu khắc. Chương trình đào tạo của Trường Mỹ thuật Đông Dương dựa trên mô hình và hệ thống sư phạm của phương Tây (Trường Mỹ thuật quốc gia Paris).
“Từ năm 1925, kết hợp với việc khai thác nghệ thuật truyền thống Việt Nam, Trường Mỹ thuật Đông Dương đã đào tạo những nghệ nhân An Nam trở thành nghệ sỹ. Từ ngôi trường này, ý thức nghệ thuật của các nghệ sỹ Việt Nam được đánh thức, nuôi dưỡng; mỹ thuật Việt Nam phát triển theo con đường dân tộc hiện đại để hòa nhập vào nền mỹ thuật thế giới,” bà Lan khẳng định.
Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tiên cho rằng sự ra đời của Trường Mỹ thuật Đông Dương thực sự là một cuộc chuyển mình, một đột biến về chất của mỹ thuật Việt Nam, bước từ nền mỹ thuật dân gian, bình dân sang nền mỹ thuật bác học, có môi trường đào tạo bài bản.

Từ đây, các tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam chính thức có tên tác giả, năm sáng tác, chất liệu, đánh dấu sự kết thúc một thời kỳ khuyết danh tác giả trong nền mỹ thuật cổ Việt Nam.
“Những học sinh xuất sắc của Trường Mỹ thuật Đông Dương đã trở thành những bậc thầy của một nền mỹ thuật mới với sự tìm tòi, khám phá các chất liệu mang đậm bản sắc dân tộc như lụa, sơn mài, sơn dầu, điêu khắc, đồ họa giá vẽ…; thể hiện các loại tranh chân dung, phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật… Đây chính là điểm khởi đầu quan trọng để mỹ thuật Việt Nam phát triển theo con đường mới,” Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Xuân Tiên nhận định.
Nghệ thuật Việt sang trang
Mới đây, tọa đàm “Sự hồi sinh của nghệ thuật hiện đại ở Đông Dương” diễn ra tại Hà Nội đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế và đặc biệt là hậu duệ các họa sỹ nổi tiếng thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương. Tọa đàm do bà Charlotte Aguttes-Reynier, Chủ tịch Hiệp hội các nghệ sỹ châu Á tại Paris (AAP), dẫn dắt.

Ông Nicola Baudo, hậu duệ của họa sỹ Victor Tardieu cho rằng di sản quan trọng nhất, tinh thần mà Victor Tardieu, các cộng sự, học trò và những người kế thừa ông đã để lại là cách tiếp cận nghệ thuật mang tính nhân văn, một nghệ thuật được sáng tạo thông qua sự khiêm tốn, tôn trọng và trình độ chuyên môn.
“Chính điều này đã đóng góp vào sự trưởng thành của rất nhiều nghệ sỹ. Tinh thần tôn trọng giữa con người với con người và sự chân thành trong tìm kiếm nghệ thuật rất dễ lan tỏa, vì nó được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây thật là điều tốt đẹp, bởi vì nghệ thuật tạo nên sự kết nối giữa con người với nhau, bất chấp những biến động của lịch sử,” ông Nicola Baudo nói.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, cháu của họa sỹ Nam Sơn khẳng định hiện nay tranh Việt Nam và nhất là tranh thời kỳ Đông Dương có một vị trí rất đặc biệt trên thị trường quốc tế. Tại Pháp, có những buổi đấu giá dành riêng cho mỹ thuật Đông Dương.

Theo ông Ngô Kim Khôi, mỹ thuật đương đại đang trong thời kỳ tìm cho mình một con đường riêng để vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của mỹ thuật Đông Dương.
“Các họa sỹ trẻ hiện nay đang tạo cho mình một xu hướng sáng tác đặc biệt, trộn lẫn chất liệu và phong cách. Họ luôn có những con đường đi mới. Tất nhiên không phải cái gì đặc biệt cũng thành công. Các họa sỹ Việt vẫn đang tìm tòi phong cách cho mình. Riêng tôi cho rằng nghệ thuật sắp đặt là sự thành công của nền mỹ thuật Việt Nam hiện nay,” ông Ngô Kim Khôi nói.
Theo Tiến sỹ mỹ thuật Phạm Trung, những giá trị về văn hóa tinh thần mà Trường Mỹ thuật Đông Dương để lại còn lưu đến ngày hôm nay, trong thẩm mỹ xã hội, phong cách Mỹ thuật Đông Dương. Có thể tìm thấy nhiều ví dụ điển hình qua những sáng tạo về thiết kế kiến trúc của lớp kiến trúc sư thời kỳ đầu, thiết kế nội thất của hãng Memo, thiết kế áo dài Le Mur tạo ra một nền tảng thẩm mỹ cách tân trong thời trang, những sáng tác tranh...
“Đặc biệt, những họa sỹ thế hệ cuối của Trường Mỹ thuật Đông Dương đóng vai trò như bản lề lịch sử nghệ thuật, sáng tác của họ kết tinh truyền thống đồng thời mở đường cho những sáng tạo nghệ thuật theo tinh thần thời đại. Chính họ làm nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, hướng đến dân tộc-hiện đại, sang trang cho các thế hệ họa sỹ Việt Nam vững tin tạo nên một bản sắc Việt Nam trong mỹ thuật ngày nay,” ông Phạm Trung nhận định./.

Dương Bích Liên - Một trong "tứ kiệt" của Mỹ thuật Việt Nam hiện đại
Ông là một trong bộ bốn “Nghiêm, Liên, Sáng, Phái” (Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái) của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Bình luận
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu