Thời điểm cơn “siêu bão” COVID-19 quét qua làm tan hoang, kiệt quệ nền “công nghiệp không khói,” tất cả các doanh nghiệp mới nhận thức một cách sâu sắc và thấm thía rằng cần phải sát cánh cùng nhau để không bị văng khỏi “vòng xoáy tử thần.”
Các nhà đầu tư dịch vụ du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, các hãng hàng không… và cả lãnh đạo ngành đồng quan điểm để không đổ vỡ hàng loạt, thời gian tới cần “kết bè vượt bão,” chuẩn bị cho đợt khôi phục mới.
[Chịu cú "đánh kép " mang tên COVID-19, doanh nghiệp du lịch kêu cứu]
Vì mối quan hệ “cộng sinh”…
Trước những áp lực mà doanh nghiệp đang phải gánh khi khách hoãn, hủy tour ồ ạt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ông Vũ Thế Bình cho rằng phần lớn doanh nghiệp du lịch trong nước là vừa và nhỏ, sau đợt dịch đầu nhiều đơn vị đã kiệt quệ. Khi dịch bùng phát trở lại, vấn đề quan trọng là làm sao giữ cho số doanh nghiệp này không bị “khai tử” trước khi dịch được kiểm soát và phục hồi lại lần nữa.
Thực tế thời điểm này nhiều chủ khách sạn đã buộc phải rao bán hoặc chuyển nhượng. Đợt kích cầu vừa qua, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã liên kết giảm giá dịch vụ sâu nhất có thể, nhờ đó khách hàng cũng được hưởng lợi. Song, nguồn thu sau chương trình kích cầu mới chỉ đủ giúp khởi động và duy trì lại bộ máy doanh nghiệp, chứ chưa kịp thu lợi nhuận.
Do đó, theo ông Bình lúc “sóng gió” này rất cần cả 2 phía là người đi du lịch và người làm du lịch cùng chia sẻ khó khăn: Khách hàng cảm thông cho doanh nghiệp, ngược lại lữ hành cũng cần cam kết rõ ràng thời gian hoàn, hủy, đảm bảo lợi ích cho khách; các doanh nghiệp du lịch cũng cần hỗ trợ nhau vượt “bão.”
Đại diện Vietnam Airlines, bà Nguyễn Hồng Nga chia sẻ dịch bệnh COVID-19 xảy ra lần này hãng đã có kinh nghiệm xử lý nên nhanh chóng có chính sách với đại lý, khách lẻ trong hệ thống như cho phép đổi/hoàn vé, đổi hành trình tùy từng loại vé; cho phép bảo lưu tiền cọc đến hết tháng 6/2021.
“Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, chúng tôi sẽ có kịch bản kích cầu lần 2. Vì vậy, cần định hướng của Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam để Vietnam Airlines xây dựng nhiều kịch bản kích cầu du lịch đến năm 2021,” bà Nga nói.
Cho rằng thời điểm này tất cả đều gặp khó khăn và cần hỗ trợ nhưng Phó Tổng giám đốc Vietjet Air, ông Đinh Việt Phương khẳng định Vietjet Air vẫn cố gắng đảm bảo quyền lợi cho các hãng lữ hành, bảo lưu vé trong 180 ngày và nghiên cứu để thời gian dài hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp lữ hành hoạt động.
Trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước về hàng không, Phó Cục Trưởng Cục Hàng không Việt Nam, ông Võ Huy Cường cho rằng “hàng không và du lịch luôn song hành với nhau. Nếu không có du lịch thì hàng không không thể duy trì được, ngược lại du lịch cũng vậy.”
…nên phải “kết bè vượt bão”
Tổng Cục Trưởng Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh nhận định dịch COVID-19 tác động lớn đến du lịch, hàng không và nhiều lĩnh vực khác, nhưng so với đợt dịch lần 1, tín hiệu rất đáng mừng lần này là ngành du lịch đã chủ động đối phó dịch, có kịch bản phục hồi.
Theo ông Khánh, mặc dù trong việc hoàn, hủy, đổi tour, doanh nghiệp lữ hành gặp vô vàn khó khăn do là đơn vị trung gian song các doanh nghiệp đối tác rất tích cực, đặc biệt là hàng không đã chia sẻ khó khăn, giảm áp lực cho lữ hành; các tập đoàn đầu tư, khách sạn, cơ sở lưu trú… tạo điều kiện tốt nhất cho du khách. Tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt khó này là điểm đáng mừng của du lịch Việt Nam để sau dịch có thể mau chóng phục hồi.
Ứng phó trong tình hình dịch bệnh, gần 200 CEO của các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành (Sun Group, Hanoitourist, AZA Travel, Hanoitourism, Evivatour, Travelogy, Threeland Travel...) đã lập ra từng nhóm trên facebook để kết nối và trao đổi các vấn đề liên quan đến xây dựng sản phẩm, marketing, truyền thông, cung cấp dịch vụ, khách sạn, tàu lưu trú du lịch, vé máy bay, homestay…; thống nhất giá và cùng bán sản phẩm.
Như thế, những nhóm này sẽ cùng nhau đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, chia sẻ nguồn lực để giảm chi phí thấp nhất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Đó chính là lợi ích thiết thực nhất của việc “kết bè”: cùng chia sẻ lợi ích, cạnh tranh bằng chất lượng và cùng tương trợ nhau vượt “bão COVID-19.”
Trong bối cảnh dịch bệnh trở lại, hầu hết các đơn vị lữ hành đều cam kết với khách hàng dù hoãn tour đến thời điểm khác cũng đảm bảo không phát sinh chi phí. Tùy hợp đồng, các đơn vị sẽ có ưu đãi khác nhau nhưng đều đang rất nỗ lực để giữ chân và chăm sóc khách bằng nhiều cách.
“Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để đề xuất với Chính phủ các giải pháp, đây là việc không dễ và cần thời gian vì trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều lĩnh vực cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề,” Tổng cục trưởng cho biết.
Lãnh đạo ngành cho rằng việc ưu tiên giai đoạn này là các sở quản lý, các doanh nghiệp hàng không, vận chuyển, lưu trú cần bắt tay giải quyết vấn đề trước mắt như hoãn hủy tour, chung tay chia sẻ vì mục tiêu lâu dài, phát huy ưu thế của ngành kinh tế tổng hợp.
Đặc biệt, các hãng hàng không cần có chính sách linh hoạt, xem xét hoàn tiền cho các doanh nghiệp lữ hành… Thời gian tới, tiếp tục thực hiện vừa chống dịch hiệu quả, vừa chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế khi đủ điều kiện.
“Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó tập trung chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay ưu đãi gói 62.000 tỷ đồng, gia hạn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất…, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú,” Tổng cục trưởng khẳng định./.