Kết nối kiểu nửa vời, doanh nghiệp kêu khổ vì phải chạy vạy

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành vẫn phải in ra hoặc gọi điện cho phía hải quan để thông báo. Cách làm ấy theo giới doanh nghiệp là điện tử nửa vời.
Kết nối kiểu nửa vời, doanh nghiệp kêu khổ vì phải chạy vạy ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu sau khi có kết quả kiểm tra chuyên ngành vẫn phải in ra hoặc gọi điện cho phía hải quan để thông báo. Có trường hợp, các doanh nghiệp phải đến tận nơi để đóng các loại phí rồi phải “chạy đi thông báo.”

Cách làm ấy của cơ quan chức năng theo giới doanh nghiệp là “điện tử nửa vời” và vẫn khiến doanh nghiệp không khỏi lo âu.

Những nội dung này vừa được nêu lên tại Hội thảo tham vấn dự thảo nghị định về cơ chế một cửa về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu sáng 17/5 tại Hà Nội. Hội thảo do Tổng cục Hải quan và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.

Điện cao thế nhưng… thiếu dây

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cho rằng, một trong những vấn đề được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao tại dự thảo là quy định rõ ràng hơn về chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan khi tham gia cổng thông tin một cửa quốc gia.

[Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Tránh cài cắm câu chữ để “bẫy” doanh nghiệp]

Tuy nhiên, vấn đề theo bà được nhiều doanh nghiệp phản ánh là tình huống điện tử… nửa vời. Điều này theo bà tức là khi doanh nghiệp có kết quả kiểm tra chuyên ngành, đơn vị phải thông báo tới ngành hải quan về kết quả này, có thể phải in kết quả ra giấy hoặc gọi điện. Bà bày tỏ thắc mắc, khi đã có hệ thống điện tử rồi nhưng vì sao doanh nghiệp vẫn phải làm công việc như trên.

Đọc dự thảo, bà phát hiện ra, hiện dự thảo chỉ quy định kết nối giữa cổng thông tin một cửa quốc gia và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Từ đó, hải quan có trách nhiệm ra quyết định thông quan.

Tuy nhiên, theo bà Thủy, dự thảo không có điều khoản nào quy định về kết nối giữa cổng thông tin một cửa quốc gia và chính ngành hải quan.

“Hình dung đơn giản, ta chạy một đường dây điện cao thế nhưng phần dây kết nối cho người dân thì thiếu,” bà Thủy nói.

Từ đó, bà Thủy thể hiện mong mốn cần có quy định rõ ràng kết nối giữa các cơ quan trong đó bao gồm cả ngành hải quan để kết quả được kết nối tự động giữa các cơ quan. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới có thể hoàn toàn ngồi một nơi, vào cổng thông tin một cửa là giải quyết được toàn bộ vấn đề.

Đưa ra mong muốn khác, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lại bày tỏ lo lắng về “tình trạng chơi chữ” hiện tại trong các quy định. Theo ông, tức là, khi hàng hóa trong thực tiễn chỉ cần sai một chữ so với quy định trong văn bản thì hàng hóa ngay lập tức sẽ bị ách tắc, không thông quan.

Ông Nam bày tỏ mong muốn hệ thống một cửa quốc gia có nền tảng tạo sự minh bạch để giúp cho doanh nghiệp.

“Điện tử tới giấy, từ giấy lại tới điện tử”

Kể về trường hợp cụ thể, đại diện Công ty Chuyển phát nhanh UPS Việt Nam bày tỏ, việc điện tử hóa có nhiều khâu là tích cực nhưng khâu chờ kiểm định hàng thực tế thì vẫn mất nhiều thời gian.

Theo vị này, sau khi mang hàng tới cơ quan chức năng kiểm định, doanh nghiệp phải đợi xem việc phân công kiểm tra của cơ quan kia ra sao, rồi tới khâu kiểm tra thực hiện như thế nào, kết quả có hay chưa. Thời gian đợi chờ này theo vị đại diện khiến doanh nghiệp mất nhiều công hỏi xem hàng hóa đang ở giai đoạn nào.

Từ đó, vị đại diện doanh nghiệp trên bày tỏ mong muốn rút ngắn thời gian kiểm định hàng hóa và thông báo rõ ràng từng khâu kiểm tra để doanh nghiệp nắm được.

Ở hướng khác, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân lại nêu tình huống, mặc dù đã có cổng thông tin một cửa quốc gia nhưng nhiều khoản phí chưa được kết nối vào cơ sở dữ liệu.

Bà lấy ví dụ tại cảng Hải Phòng, doanh nghiệp phải nộp phí cửa khẩu cảng biển và nhiều khoản phí khác tại đây. Những khoản phí này theo bà không hề liên kết với hệ thống một cửa. Bởi thế, doanh nghiệp phải nộp thủ công rồi mới tiếp tục thực hiện thủ tục trên cổng thông tin một cửa quốc gia.

“Các nước từ điện tử tới điện tử, Việt Nam thì hỗn loạn, từ điện tử tới giấy, rồi từ giấy lại tới điện tử,” bà Thủy cảm thán.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình bày tỏ, cơ quan này ghi nhận những đóng góp của phía doanh nghiệp. Ông cũng thừa nhận, một số quy định về kiểm tra chuyên ngành vẫn chồng chéo, xung đột, phải thực hiện nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành, gây phiền hà.

Việc chuẩn hóa quản lý danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành theo ông được chuẩn hóa chậm, nhiều mặt hàng thậm chí còn chưa được gắn mã. Việc này khiến ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục theo ông là chưa làm được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục