Kết nối nhà thiết kế-doanh nghiệp, tăng giá trị đồ thủ công

Thông qua sự sáng tạo của các nhà thiết kế trên mẫu mã sản phẩm sẽ tạo nên sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với thị trường, người tiêu dùng.

Tăng cường giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và mở rộng thị trường cho ngành thủ công mỹ nghệ là vấn đề được quan tâm tại Hội thảo “Kết nối các nhà thiết kế với sự phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam” diễn ra ngày 18/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, cho biết nâng tầm ngành thiết kế sáng tạo Việt Nam, thúc đẩy quá trình tư duy thiết kế cũng như thay đổi nhận thức của xã hội về sự ảnh hưởng của các nhà thiết kế nói riêng và ngành công nghiệp sáng tạo nói chung trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất quan trọng.

Ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nhưng chưa khai thác tương xứng với tiềm năng do còn hạn chế ở năng lực thiết kế, tạo giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao cho sản phẩm. Những mặt hàng như gốm sứ mỹ nghệ, mây tre lá, sơn mài đang gặp khó khăn về cải tiến mẫu mã, sáng tạo trong thiết kế nên khó giới thiệu sản phẩm ra thị trường quốc tế và hấp dẫn các nhà xuất nhập khẩu.

Đồng quan điểm trên, giáo sư Marcel Crul (Đại học TU Delft của Hà Lan) cho rằng cải tiến và phát triển sản phẩm bền vững vừa là xu hướng phổ biến vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết của sự phát triển kinh tế, xã hội mà nhiều quốc gia trên thế giới đang nỗ lực hướng đến.

Hiện nay tại châu Âu, những tiêu chí cần đảm bảo trong sản xuất, kinh doanh để phát triển sản phẩm bền vững có thể kể đến gồm những vấn đề về bảo vệ xã hội, môi trường, an toàn sức khỏe tiêu dùng…

Thông qua sự sáng tạo của các nhà thiết kế trên mẫu mã sản phẩm sẽ tạo nên sự kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với thị trường, người tiêu dùng.

Đặc biệt, nhà thiết kế đóng vai trò quan trọng khi tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm bền vững, tiết kiệm nguyên vật liệu, thời gian và xây dựng thương hiệu sản phẩm xanh.

Vì vậy, ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam cần đầu tư, nghiên cứu đẩy mạnh khâu thiết kế, cải tiến và nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng những yêu cầu về nguồn gốc sản phẩm, thiết kế sáng tạo sẽ có cơ hội lớn về thị trường, tiếp cận khách hàng.

Bên cạnh việc tổ chức hội thảo lần này, Cục xúc tiến Thương mại và Hiệp hội thiết kế mẫu và sáng tạo mỹ thuật Việt Nam (VDAS) sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn thiết kế mẫu, hỗ trợ trưng bày cũng như chiến lược phát triển mẫu và thương hiệu.

Chuỗi hoạt động tập trung vào một số lĩnh vực như nội ngoại thất, đồ gỗ; thủ công mỹ nghệ, trang sức, dệt may, thời trang, da giày, thực phẩm, đồ uống và bao bì./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục