Kết nối thông tin thị trường, thêm cơ hội việc làm cho người lao động

Tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các đơn vị chức năng tăng cường khảo sát, dự báo và thông tin cung-cầu lao động, giúp lao động đang có nhu cầu tìm việc có thông tin chính xác...
Kết nối thông tin thị trường, thêm cơ hội việc làm cho người lao động ảnh 1Đông đảo sinh viên, người lao động tham gia “Ngày hội tuyển dụng, việc làm năm 2023” tại Trường đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song thị trường lao động tại một số địa phương khu vực phía Nam những tháng cuối năm ghi nhận dấu hiệu khởi sắc, một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động.

Công tác dự báo, thông tin kết nối việc làm cũng đang được các đơn vị chức năng tăng cường thực hiện.

Thông tin kịp thời

Tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Tây Ninh, các đơn vị chức năng tăng cường khảo sát, dự báo và thông tin cung-cầu lao động, giúp lao động đang có nhu cầu tìm việc có thông tin chính xác, sớm tìm được công việc phù hợp.

Theo Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thị trường Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong quý 4 năm nay, các doanh nghiệp tại thành phố cần khoảng 75.500-81.500 chỗ làm việc. Trong đó, nhu cầu ở lĩnh vực thương mại-dịch vụ chiếm trên 70% tổng nhu cầu nhân lực. Đồng thời, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo chiếm trên 85% tổng nhu cầu nhân lực.

[Chuyên gia chia sẻ bí quyết "săn" việc làm khi kinh tế suy thoái]

Những tháng cuối năm cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động chưa qua đào tạo, lao động bán thời gian, lao động thời vụ để đáp ứng yêu cầu sản xuất hoặc kinh doanh dịp lễ, Tết. Vì vậy, nhu cầu lao động phổ thông chiếm trên 14% tổng nhu cầu tuyển dụng.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn những tháng cuối năm dự báo có chiều hướng ổn định và tốt hơn so với những tháng đầu năm nay. Một số doanh nghiệp ở các lĩnh vực như may mặc, giày da, nhựa, gỗ có nhu cầu tuyển lao động đến hết quý 4 năm nay. Trong đó, một số doanh nghiệp vừa tuyển lao động có tay nghề, vừa tuyển lao động phổ thông, sau đó sẽ tổ chức đào tạo. Nhu cầu tuyển dụng trong quý 4 của các doanh nghiệp ở Bình Dương là khoảng 10.000-12.000 lao động.

Tỉnh Bình Dương đang ghi nhận một số doanh nghiệp tuyển lao động từ nay đến cuối năm như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Leading Start ở lĩnh vực may mặc cần tuyển 1.000 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vision, sản xuất gậy Golf, tuyển 1.000 lao động, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esprinta chuyên về lĩnh vực may mặc cần 500 lao động hoặc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Kytech (Việt Nam) sản xuất đồ dùng bằng thép không gỉ cần tuyển 100 lao động… Ngoài ra, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhu cầu tuyển mỗi doanh nghiệp dưới 50 lao động.

Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương dự báo thời gian cuối năm, nhu cầu tuyển lao động thời vụ quay trở lại, song năm nay, tuyển dụng lao động thời vụ dịp cuối năm sẽ không quá “sôi động.” Trung tâm với vai trò kết nối việc làm đang tiếp tục khảo sát nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông tin trên bản tin của đơn vị, qua website và Zalo OA nhằm hỗ trợ người lao động có nhu cầu tìm việc sớm tiếp cận vị trí việc làm phù hợp.

Kết nối thông tin thị trường, thêm cơ hội việc làm cho người lao động ảnh 2 Công nhân làm việc tại xưởng gia công Công ty TNHH May mặc Dony, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Đại diện Trung tâm Dịch vụ Việc làm-Giáo dục Nghề nghiệp tỉnh Tây Ninh cũng cho biết từ giữa tháng Chín đến nay, đơn vị tổ chức Sàn giao dịch Việc làm vào ngày thứ Hai hàng tuần, tạo cơ hội gặp gỡ nhanh nhất giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Qua đó, người lao động có thông tin kịp thời về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn hoặc được tư vấn, hướng dẫn học nghề, xuất khẩu lao động.

Hài hòa lợi ích

Theo các chuyên gia, thị trường lao động dự báo tiếp tục có khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp có đơn hàng, hợp đồng mới song cũng có doanh nghiệp tiếp tục khan hiếm đơn hàng, buộc phải giãn, giảm lao động. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người lao động cần tiếp tục đồng hành, có sự sẻ chia, hài hòa lợi ích để vượt qua khó khăn.

Doanh nghiệp xem người lao động là tài sản quý. Trong điều kiện doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh cần có phương án tối ưu để hỗ trợ người lao động trong khả năng của mình. Các địa phương có nhiều khu công nghiệp, lượng lớn lao động đang làm việc tiếp tục có giải pháp, đầu tư hạ tầng cơ bản phục vụ người lao động như nhà ở, khu khám, chữa bệnh, khu vui chơi cho con em công nhân, giúp người lao động gắn bó lâu dài.

Với người lao động, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục Nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lao động hiện nay cũng như trong tương lai, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động, kỹ năng thấp chắc chắn sẽ mất dần lợi thế cạnh tranh. Lao động kỹ năng thấp dễ bị mất việc làm, bị đào thải do sức cạnh tranh trên thị trường lao động thấp.

Do đó, những lao động đang gặp khó khăn do mất việc làm, phải nhận trợ cấp thất nghiệp nên tham gia học nghề, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng hoặc chủ động học nghề mới để sớm có việc làm trở lại, ổn định cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục