"Kết quả kiểm toán là tiếng chuông cảnh tỉnh"

Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh kết quả kiểm toán Nhà nước là tiếng chuông cảnh tỉnh giúp cơ quan thụ hưởng ngân sách kiểm tra lại mình.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh kết quả kiểm toán Nhà nước là tiếng chuông cảnh tỉnh giúp cơ quan thụ hưởng ngân sách kiểm tra lại mình.

Ông Nguyễn Đức Kiên nói như vậy khi trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nhân dịp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành nghị quyết về Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2010.

- Xin Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết với việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020 với nhiều mảng nội dung quan trọng về địa vị pháp lý, về hiệu quả kiểm toán, về phát triển hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan Kiểm toán Nhà nước và phát triển nguồn nhân lực..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ hỗ trợ Kiểm toán Nhà nước thực hiện những vấn đề này như thế nào?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Theo tôi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước trong 10 năm và có tầm nhìn 10 năm tiếp theo là dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Kiểm toán Nhà nước.

Trong thời gian tới và về lâu dài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị với các cơ quan chức năng nghiên cứu để thể hiện địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước trong Hiến pháp, trong đó có hai nội dung hết sức quan trọng, đó là kiểm toán do Quốc hội thành lập và kiểm toán chỉ thực hiện một cách độc lập, tuân theo pháp luật.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ theo dõi sát hoạt động quá trình hình thành và vận động của các tổ chức bộ máy của Kiểm toán Nhà nước để có thể kịp thời kiện toàn thêm một bước nữa về tổ chức bộ máy, nhưng đặc biệt có cơ chế chính sách phù hợp để động viên được đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ kiểm toán viên tích cực học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, đủ sức làm tròn nhiệm vụ chức năng mà Đảng, Nhà nước giao cho.

- Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, trong đề án Chiến lược phát triển Kiểm toán có đề cập đến việc tăng từ 7 đơn vị kiểm toán Nhà nước khu vực lên 15 đơn vị vào năm 2020. Điều này có ý nghĩa thế nào đối với kỷ cương kỷ luật tài chính công của Việt Nam?


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên
: Kiểm toán là một trong những công cụ quan trọng nhất để Nhà nước quản lý có hiệu quả việc sử dụng ngân sách nhà nước tiền và tài sản Nhà nước. Nhưng thời gian vừa qua, với tổ chức bộ máy như hiện tại thì mới bao quát được khoảng già một nửa sân mà đáng ra theo chức năng nhiệm vụ kiểm toán phải làm.

Chính vì thế, độ chính xác, tính đầy đủ của việc quản lý ngân sách nhà nước, tiền và tài sản nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, trong thời gian tới, tăng các đơn vị kiểm toán khu vực lên sẽ mở rộng được địa bàn kiểm toán và do đó tăng được tính đầy đủ, tính chính xác giúp cho Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng về tài chính ngân sách Nhà nước.

- Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực sự của công tác kiểm tra giám sát cũng như phát hiện và ngăn ngừa các hành tham nhũng lãng phí tài sản công của Kiểm toán Nhà nước thì việc này điều này sẽ phải được khắc phục thế nào trong thời gian tới, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Quan điểm của chúng ta là phòng hơn chống, tuy vậy kết quả của Kiểm toán Nhà nước là một tiếng chuông cảnh tỉnh để giúp cho các cơ quan thụ hưởng ngân sách trước hết tự kiểm tra lại mình để sửa chữa những thiếu sót trong quá trình thực thi pháp luật.

Một số vi phạm trong thời gian vừa qua mà Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số nơi thực hiện chưa tốt, nói sâu sắc hơn là chưa thực hiện nghiêm túc.

Thời gian tới, theo tôi, phải gia hạn định thời gian các cơ quan có vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình về quản lý ngân sách tiền và tài sản Nhà nước để thực hiện những kiến nghị xác đáng của Kiểm toán Nhà nước.

Trong trường hợp quá thời gian mà không thực hiện trong Luật Kiểm toán Nhà nước quy định, cơ quan Kiểm toán Nhà nước có quyền chuyển hồ sơ cho cơ quan tư pháp để tiến hành khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật.

- Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, với tư cách cá nhân và đại diện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách Kiểm toán Nhà nước thì ông cũng như Quốc hội kỳ vọng gì vào Kiểm toán Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo, ít nhất là trong 10 năm tới khi Kiểm toán Nhà nước bắt tay vào thực hiện chiến lược phát triển của mình?

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Kỳ vọng thì nhiều, nhưng tôi đề nghị và mong mỏi ở ba điểm. Thứ nhất là phạm vi kiểm toán được mở rộng, ít nhất cũng được 2/3 các đối tượng thụ hưởng ngân sách và những đối tượng đang quản lý tiền và tài sản Nhà nước.

Thứ hai là phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động nhưng đặc biệt là coi trọng đến kiểm toánn độc lập. Kiểm toán độc lập có nghĩa là phải chú ý đến hiệu quả của các khoản chi, hiệu quả của việc sử dụng tiền và tài sản Nhà nước.

Thứ ba là chúng tôi cũng kỳ vọng vào đội ngũ cán bộ, viên chức của ngành kiểm toán mà trước hết nòng cốt là đội ngũ kiểm toán viên.

Ngoài trình độ chuyên môn sâu thì phải có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp, có như vậy, Kiểm toán Nhà nước mới vừa sạch, vừa liêm khiết, vừa khách quan, và vừa có tiếng nói có trọng lượng để hoạt động của mình thực sự là một công cụ quan trọng bậc nhất trong việc quản lý chi tiêu ngân sách tiền và tài sản Nhà nước./.

Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch./.

Thùy Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục