Khả năng BoJ sẽ chấm dứt chính sách siêu nới lỏng tiền tệ

Ngày 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã công bố biên bản cuộc họp năm 2013, đây có thể là dấu hiệu sớm cho thấy BoJ sẽ ngừng triển khai chính sách siêu nới lỏng tiền tệ.
Khả năng BoJ sẽ chấm dứt chính sách siêu nới lỏng tiền tệ ảnh 1Đồng yen của Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda hồi năm 2013 đã có bước đi bất thường khi dẫn dắt các thành viên ủy ban chính sách BoJ thực hiện chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trước khi đạt được đồng thuận về vấn đề này vào cùng năm.

Đây là một phần nội dung của biên bản cuộc họp hồi năm 2013 mà BoJ công bố ngày 31/7.

Việc công bố biên bản cuộc họp năm 2013 có thể là dấu hiệu sớm cho thấy BoJ sẽ ngừng triển khai chính sách siêu nới lỏng tiền tệ nói trên, nhất là sau khi BoJ hôm 28/7 quyết định nới lỏng kiểm soát đối với trái phiếu dài hạn.

[Thị trường hoài nghi khả năng BoJ điều chỉnh chính sách tiền tệ]

Theo biên bản nói trên, tại cuộc họp mà BoJ tiến hành hồi tháng 4/2013, ông Kuroda - khi đó đang giữ chức Thống đốc, nói rằng BoJ cần thực hiện “biện pháp mới” trong chính sách nới lỏng tiền tệ.

Biên bản cuộc họp hồi năm đó cho thấy ông Kuroda muốn triển khai các công cụ chính sách theo hướng khác biệt với người tiền nhiệm Masaaki Shirakawa.

Giữ cương vị Thống đốc BoJ trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2013, ông Shirakawa đã vấp phải chỉ trích vì thực hiện những bước đi “nhỏ giọt” trong chính sách kiểm soát tiền tệ trong bối cảnh Nhật Bản vào giai đoạn đó đang phải vật lộn trước tác động của đồng yen mạnh.

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày 3 và 4/4/2013, BoJ cho biết sẽ thực hiện “giai đoạn mới về chính sách nới lỏng tiền tệ xét về cả số lượng và chất lượng.” Theo đó, ngân hàng này đã quyết định tăng gấp đôi lượng trái phiếu chính phủ mua vào cũng như tăng gấp đôi quy mô cơ sở tiền (tổng lượng tiền trong lưu thông hoặc dự trữ).

Quyết định này nhằm thực hiện cam kết đạt được mức lạm phát 2% trong khoảng 2 năm. Mục tiêu xa hơn của các bước đi chính sách chưa từng có tiền lệ này là nhằm chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài mà Nhật Bản phải đối mặt.

Kể từ hồi năm 2013 đến nay, BoJ vẫn cam kết với chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong hơn một năm qua, lạm phát ở Nhật Bản đã vượt qua mức mục tiêu 2% mà BoJ đặt ra.

Điều này phần lớn là do tác động của giá cả các mặt hàng nhập khẩu tăng cao cùng với tác động của việc đồng yen giảm giá mạnh.

Tại buổi họp báo cuối cùng trước khi rời nhiệm sở khi đó, cựu Thống đốc Kuroda cho biết ông “lấy làm tiếc” vì mục tiêu lạm phát 2% đã không đạt được theo biện pháp mà ông lựa chọn song cho rằng các bước đi chính sách mà BoJ đưa ra trong thời kỳ ông nắm quyền đều phù hợp.

Ủy ban chính sách của BoJ gồm 9 thành viên, trong đó gồm Thống đốc. Thông thường, Thống đốc là người chủ trì các cuộc họp chính sách, lắng nghe ý kiến đóng góp của các thành viên và thúc đẩy cuộc thảo luận trước khi đạt được sự thống nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục