Khả năng ECB giữ nguyên lãi suất tiền gửi 4% khi lạm phát ổn định

Lạm phát của Eurozone, sau khi đạt đỉnh hơn 10% vào cuối năm 2022, đã giảm dần đều, xuống 2,6% trong tháng 2/2024 và đang hướng tới mục tiêu 2% của ECB.

Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng đồng euro ở phía trước trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lạm phát ổn định dự kiến sẽ thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách lãi suất của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục giữ nguyên lãi suất vào cuộc họp ngày 7/3 (giờ địa phương), giữa lúc họ đang chờ đợi những dấu hiệu rõ ràng hơn về việc giá tiêu dùng giảm liên tục trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Chi phí hàng hóa thiết yếu tại châu Âu tăng vọt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, trong bối cảnh chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch gặp khó khăn, khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khởi động chu kỳ tăng lãi suất lịch sử.

Lạm phát của Eurozone, sau khi đạt đỉnh hơn 10% vào cuối năm 2022, đã giảm dần đều, xuống 2,6% trong tháng 2/2024 và đang hướng tới mục tiêu 2% của ECB.

Dù Eurozone tránh được suy thoái kỹ thuật trong "gang tấc" vào nửa cuối năm 2023, song triển vọng rất ảm đạm do diễn biến yếu kém của nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức.

Lạm phát chậm lại và nền kinh tế đang xấu đi sẽ củng cố các lập luận về việc cắt giảm lãi suất của ECB. Nhưng mức tăng giá tiêu dùng không chậm lại nhanh như mong đợi và các nhà điều hành ngân hàng này lo lắng về việc hoàn thành “chặng cuối” để đạt được mục tiêu.

Hội đồng quản trị của ECB được kỳ vọng sẽ giữ lãi suất tiền gửi ở mức kỷ lục 4% lần thứ tư liên tiếp trong cuộc họp ngày 7/3.

Ngân hàng HSBC cho biết: “Chúng tôi không nghĩ ECB sẽ đủ tự tin rằng Eurozone đã hành động đủ mạnh để kiềm chế lạm phát, thậm chí để thảo luận về việc cắt giảm lãi suất, chứ đừng nói đến việc báo hiệu rằng việc cắt giảm đó sắp diễn ra."

Tuy nhiên, cuộc họp sẽ được theo dõi chặt chẽ để tìm manh mối về thời điểm ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lai suất, với hầu hết các nhà đầu tư hiện đang đặt cược vào khả năng đợt cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng Sáu tới.

Các nhà phân tích tin rằng nguyên nhân gây ra lạm phát đã chuyển từ chi phí năng lượng, vốn tăng mạnh sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào năm 2022, sang lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ và tăng trưởng tiền lương.

Ông Frederik Ducrozet, nhà kinh tế trưởng tại Pictet Wealth Management, cho biết: “Tăng trưởng tiền lương vẫn ở mức cao và có rất ít dấu hiệu cho thấy sự thay đổi nhanh chóng, thúc đẩy lạm phát dịch vụ.”

Căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông cũng làm tăng thêm lo ngại rằng lạm phát có thể tăng trở lại.

Các cuộc tấn công của lực lượng Houthi nhằm vào hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ đã khiến các công ty vận tải biển tránh tuyến đường thương mại quan trọng này, trong khi cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas lan rộng có thể ảnh hưởng đến giá dầu.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, dự kiến nhóm họp vào ngày 19-20/3, cũng đang gặp khó khăn về thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất, khi một loạt các chỉ số kinh tế mạnh mẽ làm mờ đi triển vọng cắt giảm sớm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục