Siêu bão Yagi, cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, đổ bộ vào miền Bắc hồi đầu tháng Chín đã gây ra thiệt hại nặng nề về người và của, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhờ vào sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và khả năng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế quý 3 vẫn đạt được kết quả khả quan, thể hiện sức bật đáng kể của nền kinh tế Việt Nam.
Cơn thịnh nộ của thiên nhiên
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, siêu bão Yagi và hoàn lưu sau bão quét qua 26 tỉnh, thành phố miền Bắc đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Theo ước tính sơ bộ, thiệt hại ước tính lên tới hơn 80.000 tỷ đồng và tập trung chủ yếu vào các ngành nông nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, nhiều cơ sở hạ tầng cũng chịu thiệt hại nặng nề. Các công trình giao thông bị hư hại, gây gián đoạn giao thông và vận chuyển. Hệ thống điện, nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến mất điện, mất nước sinh hoạt và sản xuất ở nhiều khu vực. Nhiều nhà máy, xưởng sản xuất bị ngập lụt, tốc mái, hư hại máy móc thiết bị.
Đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão Yagi
Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận định đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, cho biết ảnh hưởng của bão còn lan rộng đến các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, gián tiếp làm giảm năng suất và doanh thu.
Những thiệt hại trên tác động đa chiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, gây ra những khó khăn và thách thức chưa từng có. Cụ thể, ngành nông nghiệp và thủy sản: Đây là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sản lượng nông sản giảm mạnh, nhiều cơ sở sản xuất bị phá hủy, gây ra tổn thất kinh tế lớn cho người dân và doanh nghiệp. Việc khôi phục sản xuất sẽ mất nhiều thời gian và nguồn lực. Thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, cơ sở hạ tầng nông nghiệp là rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người nông dân và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp, song bà Phí Thị Hương Nga cho hay ngành công nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do gián đoạn cung ứng nguyên vật liệu, mất điện, mất nước sinh hoạt và sản xuất. Các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp bị ngập lụt phải tạm ngừng sản xuất để khắc phục hậu quả. Việc vận chuyển nguyên vật liệu và sản phẩm bị gián đoạn, gây ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất và đơn hàng.
Thêm vào đó, ngành xây dựng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhiều công trình bị hư hại, giao thông bị gián đoạn. Việc khắc phục hậu quả thiên tai và xây dựng lại cơ sở hạ tầng đòi hỏi nguồn lực và thời gian lớn. Nhiều dự án xây dựng bị đình trệ, gây ra thiệt hại về kinh tế và tiến độ. Với ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch bị ảnh hưởng do khách du lịch giảm sút. Tuy nhiên, do thời điểm bão không phải là mùa du lịch cao điểm nên tác động không quá lớn. Các dịch vụ vận tải, logistics cũng bị gián đoạn, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa.
Kết quả khảo sát 30.587 doanh nghiệp do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy tác động của bão Yagi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có sự khác biệt đáng kể giữa các ngành, quy mô và loại hình doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp quy mô nhỏ chịu tác động nặng nề hơn doanh nghiệp quy mô lớn do nguồn lực hạn chế, khả năng chống chịu thiên tai thấp và khó khăn hơn trong việc tiếp cận các nguồn hỗ trợ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chịu ảnh hưởng nhiều hơn doanh nghiệp có vốn đầu trực tiếp nước ngoài (FDI), do khả năng tiếp cận nguồn lực, công nghệ và thông tin hạn chế hơn.
Phân bổ theo ngành, khảo sát cho thấy ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi ngành công nghiệp chế biến-chế tạo có khả năng phục hồi nhanh chóng. Và, ngành thương mại, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng, nhưng mức độ nhẹ hơn.
Đáng lưu ý, thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh sau bão khác nhau giữa các ngành và các doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn, có nguồn lực dồi dào thường phục hồi nhanh hơn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo bà Phí Thị Hương Nga, siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề song sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự hỗ trợ của Chính phủ, khả năng phục hồi của nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng kinh tế quý 3 vẫn đạt được kết quả khả quan. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến-chế tạo thể hiện sức bật đáng kể, góp phần bù đắp phần nào thiệt hại của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, bà Nga nhấn mạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa là rất cần thiết để đảm bảo sự phục hồi bền vững của nền kinh tế.
Theo đó, bà Nga đề xuất các giải pháp, trong đó chú trọng đến những chính sách hỗ trợ tài chính kịp thời. Như cung cấp các gói hỗ trợ tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp bị thiệt hại (cho vay ưu đãi, giảm lãi suất, hoãn, giảm thuế…), trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp và thủy sản. Về hỗ trợ khôi phục sản xuất, bà Nga kiến nghị việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc sửa chữa, thay thế máy móc thiết bị, cung cấp nguyên vật liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, bà Nga cho rằng cần có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chống chịu thiên tai, đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân. Cụ thể là nâng cấp hệ thống giao thông, điện, nước để giảm thiểu thiệt hại khi có thiên tai xảy ra. Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thiên tai để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tham gia bảo hiểm.
Mặt khác, bà Phí Thị Hương Nga nhấn mạnh các cấp chuyên ngành cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai để các doanh nghiệp có thể chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại.
Theo bà Nga, mặc dù thiệt hại do bão Yagi là rất lớn, nhưng tăng trưởng kinh tế quý 3 vẫn đạt 7,4%, phù hợp với kịch bản phấn đấu theo Nghị quyết của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê nhận định khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 từ 6,5%-7% là khả thi, nhờ vào sự phục hồi nhanh chóng của các ngành kinh tế và sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ.
Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu này, việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau bão là rất quan trọng. Đại diện Tổng cục Thống Kê kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, để giúp các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế./.