Khắc phục "thẻ vàng": Hiệu quả từ nâng cao ý thức cho ngư dân

Trong năm 2022, Tiền Giang không có trường hợp tàu cá nào khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định nhờ việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho ngư dân.
Khắc phục "thẻ vàng": Hiệu quả từ nâng cao ý thức cho ngư dân ảnh 1Lực lượng Cảnh sát biển tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Thủy sản, tuyên truyền về IUU....cho ngư dân. (Ảnh minh họa: Đức Thọ/TTXVN)

Năm 2022, để phòng chống, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá của ngư dân trong tỉnh khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó, tập trung vào tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành của ngư dân.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, việc tuyên truyền phòng, chống IUU trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả tích cực. Nhờ tuyên truyền vận động, ý thức của các chủ ghe, tàu cá và ngư dân đã được nâng lên rõ rệt nên số phương tiện đánh bắt xa bờ nghi vấn vi phạm IUU đã được giảm thiểu. Từ đó, góp phần giúp giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm IUU. Trong năm 2022, Tiền Giang không có trường hợp tàu cá nào khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tiền Giang hiện có nhiều tàu công suất lớn đủ sức vươn ra khai thác các ngư trường xa như Côn Đảo, Trường Sa, DK1... Riêng đội tàu lưới kéo, đóng đáy, câu tay… hoạt động chủ yếu ở ngư trường khu vực Ba Động, Vũng Tàu và Nam Côn Sơn.

[Khắc phục thẻ vàng IUU: Kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài]

Ông Nguyễn Trọng Tuy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Tiền Giang, cho biết để phòng chống, giảm thiểu tàu cá vi phạm IUU, đơn vị đã thực hiện nhiều nội dung; trong đó có việc tuyên truyền, kêu gọi tàu thuyền trong danh sách tàu cá tránh vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản. Đối với các tàu ở gần ranh giới biển thì tổ giám sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh kêu gọi tránh vi phạm và giao cho địa phương mời chủ tàu đến cam kết không tái phạm. Đối với trường hợp tắt giám sát hành trình thì nhắc nhở, cam kết không tái phạm trong các lần sau.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang còn tích cực phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng Tiền Giang cùng các ngành chức năng tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện, ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác thác hải sản Việt Nam, quốc tế và các nước tại địa bàn trọng điểm nghề cá.

Tại địa bàn huyện Gò Công Đông, một trong những địa phương của Tiền Giang có thế mạnh về khai thác hải sản, để giảm thiểu tình trạng vi phạm IUU, các Đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng Tiền Giang phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan các quy định của pháp luật về thủy sản Việt Nam, quốc tế và các nước tại địa bàn trọng điểm nghề cá.

Các Đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng Tiền Giang phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân có liên quan các quy định của pháp luật về thủy sản Việt Nam, quốc tế và các nước tại địa bàn trọng điểm nghề cá. Nội dung tuyên truyền gắn với Chỉ thị 12 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân tỉnh Tiền Giang vi phạm IUU.

Khắc phục "thẻ vàng": Hiệu quả từ nâng cao ý thức cho ngư dân ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo Đại tá Trần Văn Le, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tiền Giang, trước ra khơi, Đồn Biên phòng Kiểng Phước đã cho chủ phương tiện làm bản cam kết và kiểm tra chặt chẽ về máy giám sát hành trình, tổ chức tuyên truyền bà con ngư dân, đặc biệt là thuyền trưởng không đánh bắt vi phạm chủ quyền các nước láng giềng. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và phát các tờ rơi gửi cho các chủ phương tiện và thuyền trưởng với nội dung tuyên truyền về việc chấp hành quy định phòng, chống khai thác IUU gắn với thực hiện Luật Thủy sản.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương còn tăng cường tuyên truyền về phòng chống vi phạm IUU cho bà con ngư dân khi tham gia khai thác hải sản trên biển. Ông Trần Văn O, chủ ghe cào ở Thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) bộc bạch: “Qua sự tuyên truyền của các cấp chính quyền địa phương cũng như Bộ đội biên phòng, tôi cùng các thuyền viên đã hiểu biết đường lối của nhà nước, về quy định khai thác hải sản trên biển nên chúng tôi không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài."

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Tiền Giang, đến ngày 30/11 vừa qua, Tiền Giang đã có 958/958 tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đưa vào hoạt động, đạt 100%. Còn 107 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó, 16 tàu bị chìm, cháy nhưng chưa thực hiện xóa đăng ký; 3 tàu chuyển tỉnh chưa sang tên và 88 tàu đậu bờ chưa đi khai thác.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang đã có kế hoạch kiểm tra, xác minh hiện trạng các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, tàu bán ngoài tỉnh chưa sang tên, tàu bị mất tín hiệu thời gian dài trên hệ thống giám sát hành trình chưa xác định được nguyên nhân trong năm 2022.

Thời gian tới, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ hành trình tàu cá vùng khơi, đặc biệt là vùng gần ranh giới biển nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tàu cá vi phạm IUU, hướng đến phát triển nghề cá bền vững và chuyên nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục