Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội 2024: Tôn vinh và phát huy giá trị hoa sen

Với các giá trị đặc trưng gắn liền với Thủ đô, hoa sen đang được tập trung phát triển như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, du lịch Hà Nội.

vna_potal_le_khai_mac_sac_sen_ha_noi_7479728.jpg
Một tiết mục tôn vinh sen và những giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lễ khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội năm 2024 diễn ra tối 12/7 tại Không gian sáng tạo Tây Hồ, chính thức mở màn loạt hoạt động kéo dài từ 12/7 đến hết ngày 16/7.

Lễ hội do Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ, các đơn vị-cơ quan như Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp thực hiện… hướng đến mục tiêu quảng bá và tôn vinh giá trị văn hóa Thăng Long nói chung, của vùng đất Tây Hồ và hoa sen nói riêng. Bên cạnh Lễ hội Sen còn có các hoạt động, gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024.

Trong tối khai mạc, quận đón nhận hai kỷ lục Việt Nam, gồm (1) Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” - Ngày hội đạp xe quanh Hồ Tây có số lượng người tham gia nhiều nhất Việt Nam (7.000 người, kỷ lục thuộc sở hữu của Ủy ban nhân dân quận và thành phố Hà Nội) và (2) Sự kiện có số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen nhiều nhất Việt Nam (1000 người, thuộc sở hữu của Ủy ban nhân dân quận, thành phố Hà Nội và Câu lạc bộ Di sản Áo dài Hà Nội).

Tại sự kiện khai mạc còn có trao các giải thưởng cho cuộc thi ảnh áo dài, người mẫu áo dài, áo dài sen...

IMG_3209.JPG
IMG_3226.JPG
Sắc sen của hoa và của những phụ nữ Hà Thành. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Góp mặt tại lễ khai mạc, Đại diện lâm thời nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Latana Siharaj đánh giá sen là loài hoa đẹp, có hương thơm thanh khiết và từ xa xưa đã đi vào văn hóa và tôn giáo tín ngưỡng của người dân nhiều nơi. Là biểu tượng của sự hồi sinh, tinh khôi và sức sống trường tồn, hoa sen đã quen thuộc với nhiều quốc gia châu Á, trong đó có cả Lào và Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết thành phố đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. “Đây được coi là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững,” ông Quyền phát biểu.

Theo lãnh đạo thành phố, đây cũng là một hoạt động cụ thể hiện thực hóa Chương trình 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.

vna_potal_le_khai_mac_sac_sen_ha_noi_7479723.jpg
IMG_3218.JPG
Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu (trái) và đại diện thành phố, các đơn vị liên quan nhận chứng nhận kỷ lục Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ở cương vị nước chủ tịch ASEAN năm 2024, bà Latana Siharaj cho biết phía Lào đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hà Nội, nhất là vai trò quan trọng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của thành phố Hà Nội trong việc tổ chức các hoạt động góp phần gắn kết đoàn ngoại giao.

“Hoạt động ngoại giao văn hóa được triển khai một cách sâu rộng, hiệu quả, tạo cơ hội để giới thiệu tới Đại sứ quán các nước giới thiệu về bản sắc văn hóa của nhau, giúp tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa bạn bè quốc tế và nhân dân Thủ đô Hà Nội, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hà Nội phát triển năng động đến với thế giới,” bà Latana Siharaj nhận định.

Trong khuôn khổ Lễ hội Sen năm nay sẽ diễn ra nhiều hoạt động về phát triển du lịch cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp, ngoài ra, sự kiện dành cho cộng đồng có đêm nhạc Trịnh Công Sơn từ 20 giờ đến 21 giờ 30 tại Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Tây Hồ (số 1 phố Trịnh Công Sơn). Ngày 14/7 có hoạt động đạp xe quanh hồ Tây đạt kỷ lục. Các hoạt động hưởng ứng bao gồm các gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm các vùng phía Bắc, trưng bày sen…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục