Một trong những phát minh quan trọng của người Trung Quốc xưa là gốm sứ. Tuy không được xếp vào hàng các phát minh vĩ đại nhất như giấy hay thuốc súng, nhưng gốm sứ cũng là kết tinh của trí tuệ và sức mạnh của người dân Trung Quốc.
Gốm sứ Trung Quốc nổi tiếng vì mẫu mã đẹp và bền. Công nghệ nung sứ của Trung Quốc đạt đỉnh cao vào đời Đường và Tống.
Thời đó, đồ sứ Trung Quốc được coi là hàng xa xỉ và xuất khẩu sang châu Âu với số lượng lớn, nhận được sự ưa chuộng tại châu Âu và các nước Hồi giáo, dù phương Tây cũng tìm ra cách chế tác đồ gốm sứ từ đầu thế kỷ 18.
Con đường gốm sứ trên biển cũng giống như Con đường tơ lụa trên đất liền, trở thành cầu nối giao lưu văn hóa Đông-Tây.
Gốm sứ là tên gọi chung của đồ gốm và đồ sứ, qua đó cũng phản ánh mối liên hệ và sự khác nhau giữa chúng.
Xét về nghĩa rộng, đồ gốm bao gồm đồ sứ, đồ gốm và đồ sành. Các sản phẩm thuộc họ gốm rất đa dạng, từ các đồ dùng trong cuộc sống như bát, cốc, chén, chậu, đến các đồ dùng phức tạp trong cung đình, cũng như các sản phẩm mang đầy tính mỹ thuật dùng để trưng bày, trang trí.
Trung Quốc có rất nhiều nơi sản xuất gốm sứ truyền thống, như Tuyền Châu (Phúc Kiến) hay Phật Sơn (Quảng Đông), nhưng nổi tiếng nhất vẫn là Cảnh Đức Trấn.
Thành phố Cảnh Đức Trấn nằm ở phía đông bắc tỉnh Giang Tây, giáp các tỉnh Chiết Giang, An Huy, là cái nôi sinh ra văn hóa gốm sứ và nghề chế tạo đồ gốm sứ của Giang Tây.
Từ thời Hán, cách đây khoảng gần 2.000 năm, Cảnh Đức Trấn bắt đầu chế tác đồ gốm, đến thời Đông Tấn, cách đây hơn 1.600 năm thì bắt đầu sản xuất đồ sứ.
Do có kỹ thuật sản xuất vượt trội, sản phẩm đạt chất lượng tốt, vào các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Cảnh Đức Trấn trở thành nơi chuyên sản xuất đồ sứ cho triều đình.
Đến đời Minh, Cảnh Đức Trấn đã trở thành trung tâm sản xuất đồ sứ của cả nước, được mệnh danh là kinh đô đồ sứ của Trung Quốc.
Một trong những lý do tạo nên vẻ đẹp hoàn hảo cho đồ sứ tại Cảnh Đức Trấn là phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt với sự phân công lao động rất kỹ càng. Cũng vì vậy mà những thợ tham gia vào từng khâu trong quá trình này đều rất điêu luyện.
Tại Cảnh Đức Trấn, ở mọi khâu đều xuất hiện những người thợ, nghệ nhân lành nghề. Kỹ năng, kỹ thuật của họ đa phần được truyền thụ dựa trên nền tảng quan hệ huyết thống, nhưng thông thường chỉ truyền thụ trong nội tộc, tức truyền cho đầu trai, chứ không truyền cho đầu gái.
[Khai quật hơn 200 ngôi mộ 3.000 năm tuổi tại Trung Quốc]
Quy trình chế tác đồ sứ Cảnh Đức Trấn thường chia thành mấy công đoạn chính:
Một là tạo phôi. Nguyên liệu để tạo phôi chủ yếu là chất Bạch đôn tử (chinastone) và Cao lanh (đất sét trắng), bạch đôn tử trộn men.
Cao lanh của vùng Giang Tây khá đặc biệt, các nước khác tuy có nhưng không tốt bằng. Thậm chí, ngày nay người dân vùng Giang Tây vẫn lấy đất tại đây để làm đồ sành sứ nhưng cũng không thể đẹp bằng đồ sứ cổ.
Bạch đôn tử khi lấy từ mỏ ra là một khối đá, được bao bọc một lớp đất đỏ. Hiện giờ loại này thường được đúc thành khuôn để bán cho nhà sản xuất sứ.
Khi đem về, người ta nghiền thành bột, rồi dùng nước lọc bỏ sạn và tạp chất, sau đó được trộn cùng cao lanh, nhồi kỹ rồi dùng để tạo hình sản phẩm cần chế tác.
Để tạo hình dáng sản phẩm như ý muốn, người thợ đặt nguyên liệu đã nhồi kỹ lên bàn xoay. Quá trình xoay chuyển này, nguyên liệu qua đôi tay người thợ dần chuyển thành sản phẩm có hình dáng, kích thước nhất định.
Hai là sửa phôi. Sản phẩm được tạo hình thô nêu trên trải qua cắt gọt, chỉnh sửa để tạo ra độ dày, mỏng hợp lý, bề mặt trong, ngoài như nhau.
Tạo hình xong xuôi, các sản phẩm được phơi se ngoài gió dịu cho thật khô. Sau khi phơi khô đúng thời gian quy định, các món đồ có thể được sửa lại cho thật hoàn chỉnh.
Ba là tráng men. Tráng lên bề mặt bên trong, ngoài của phôi sứ một lớp men có độ dày hợp lý bằng các phương pháp khác nhau như bôi, phun, thổi, ngâm… khiến nó trở nên bóng bẩy.
Bốn là vẽ phôi (vẽ thanh hoa), dùng thanh hoa để trang trí hoa văn, vẽ chữ lên phôi sứ, sau đó phủ men thấu quang lên để đem nung thành đồ sứ.
Năm là nung sản phẩm trong lò, đây là công đoạn then chốt cuối cùng đề tạo ra đồ sứ. Phôi sứ đã xong các công đoạn trên được đem đặt trong lò, thường đun bằng củi thông ở nhiệt độ từ 1.270-1.300 độ.
Thông thường sản phẩm được nung trong 24 giờ lần lượt theo 2 phương pháp thu bớt thoáng khí (khiến gió lọt vào lò rất ít, làm cho củi cháy chậm đi, qua đó tạo ra nhiều khói) và “nung thả cửa” (để gió, khí oxy tha hồ lọt vào lò) để tạo ra thành phẩm.
Đồ sứ của Cảnh Đức Trấn thường có chất lượng tốt, tạo hình tinh xảo, hoa văn trang trí đa dạng, chủng loại phong phú, phong cách độc đáo.
Trong số đồ sứ của Cảnh Đức Trấn thì sứ trắng vô cùng nổi tiếng với khoảng hơn 3.000 sản phẩm khác nhau, được coi là "trắng như ngọc, sáng như gương, mỏng như giấy và vang như chuông."
Trong các đồ sứ trắng thì nổi tiếng nhất là sứ thanh hoa (còn gọi là sứ hoa lam), sứ linh lung, sứ men hồng (hồng nhung, hồng sậm…) và sứ men màu (đỏ, xanh, lam, vàng, đen…). Đây được coi là 4 loại đồ sứ truyền thống trứ danh của Cảnh Đức Trấn.
Có thể nói rằng, đồ gốm sứ đại diện cho văn hóa truyền thống, rực rỡ của Trung Quốc, có giá trị lịch sử quan trọng, trong đó tiêu biểu là đồ gốm sứ của Cảnh Đức Trấn.
Từ hàng ngàn năm qua, đồ gốm sứ Cảnh Đức Trấn bằng chất lượng và sự tinh xảo đã trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc cũng như trên thế giới. Nghệ thuật gốm sứ Cảnh Đức Trấn được coi là tài sản quan trọng trong kho tàng văn hóa Trung Quốc.
Một số hình ảnh về sản xuất gốm sứ tại Cảnh Đức Trấn: