Khám phá "robot bằng gỗ" từ thời kỳ phong kiến của Nhật Bản

Từ thời kỳ Edo (1603-1868), các nghệ nhân Nhật Bản đã chế tạo được loại búp bê có thể đi lại, cử động như robot ngày nay, đó chính là Karakuri.
Khám phá "robot bằng gỗ" từ thời kỳ phong kiến của Nhật Bản ảnh 1Búp bê Karakuri được làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu từ nhiêu như gỗ, xương hoặc sừng. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Nhật Bản ngày nay nổi tiếng là một quốc gia có công nghệ robot phát triển. Các robot đi bộ, đi xe đạp, robot y tá… khiến thế giới trầm trồ về sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản trong lĩnh vực này. Thế nhưng, có lẽ chúng ta sẽ bất ngờ hơn khi biết rằng từ thời kỳ Edo (1603-1868), các nghệ nhân Nhật Bản đã chế tạo được loại búp bê có thể đi lại, cử động như robot ngày nay, đó chính là Karakuri.

Lịch sử

Búp bê xuất hiện ở Nhật Bản từ thời kỳ xa xưa là biểu tượng của các vị thần và là các đồ vật linh thiêng. Những con búp bê được trình diễn tại các lễ hội, các hoạt động văn hoa xa xưa chính là nguồn gốc dẫn đến sự ra đời của Karakuri. Karakuri phát triển mạnh mẽ vào nửa đầu thời kỳ Edo, thời kỳ giao thương giữa châu Âu với Nhật Bản khá nhộn nhịp.

Các nghệ nhân chế tác Karakuri kết hợp với các kỹ thuật rãnh xoắn, bánh xe trong đồng hồ do các thương nhân châu Âu mang vào Nhật Bản để tạo ra những Karakuri có cử động.

Dòng họ có công lớn trong việc phát triển Karakuri là gia tộc Tamaya Shobei. Theo sử sách, trong lễ hội Toshogu năm 1733 tại Nagoya, nghệ nhân Tamaya Shobei đã trình diễn kiệu rước có tên gọi là Rinnasei-sha.

Kiệu rước được trang trí với nhiều búp bê Karakuri với mỗi búp bê có một loại cử động như gật, lắc đầu, vẫy tay và đặc biệt là một Karakuri hình một chú bé đuổi bắt một chú chim sếu đang vỗ cánh.

Sau lễ hội này, nghệ nhân Tamaya Shobei đã được mời trình diễn thêm nhiều lần tại Nagoya. Đó chính là lý do dẫn đến việc ông quyết định chuyển đến sống tại Nagoya.

Nghề chế tác Karakuri được lưu truyền từ đời này sang đời khác trong gia tộc và hiện nay, Takashima Shoji sinh năm 1954 là truyền nhân đời thứ 9 của dòng họ này, được gọi là Tamaya Shobei đời thứ 9.


Karakuri – Cầu kỳ và tinh xảo

Búp bê Karakuri được làm hoàn toàn bằng các nguyên liệu từ nhiêu như gỗ, xương hoặc sừng, trong đó gỗ chiếm tỷ lệ nhiều nhất. Các loại gỗ dùng để chế tác Karakuri được lựa chọn rất cẩn thận, có độ nặng nhẹ khác nhau. Công đoạn khó nhất trong chế tác Karakuri chính là tạo khuôn mặt búp bê và tạo chuyển động búp bê. Đây là công việc của các nghệ nhân trình độ bậc thầy.

Đối với công đoạn tạo hình, các nghệ nhân sử dụng các thiết bị chuyên dùng để gọt gỗ, tạo nét mặt, biểu cảm của từng loại karakuri. Dưới các bàn tay tài hoa, búp bê Karakuri thường có nét mặt cực kỳ sinh động.

Cộng đoạn khó thứ hai là tạo chuyển động. Các nghệ nhân phải nghiên cứu, phác thảo sơ đồ các chuyển động mà họ dự định tạo cho một búp bê Karakuri. Đặc biệt đối với các búp bê cử động bằng hệ thống bánh răng, các nghệ nhân phải xác định số bánh răng, số răng cưa trên bánh, khoảng cách giữa mỗi răng cưa của mỗi bánh và độ to nhỏ của từng bánh răng.

Công việc này đòi hỏi sự chính xác đến từng milimet vì điều này để đảm bảo các bánh răng sẽ hoạt động phối hợp nhịp nhàng sau khi được kết nối với nhau. Cử động búp bê càng phức tạp thì số bánh răng cưa càng nhiều. Nghệ nhân Tamaya Shobei đời thứ 9 cho biết, một búp bê Karakuri có thể mất đến một năm mới hoàn thiện.

Búp bê Karakuri có ba loại chính gồm Dashi Karakuri, búp bê lễ hội, Shibai Karakuri, búp bê trình diễn trên sân khấu và Zashiki Karakurim, búp bê trang trí trong nhà.

Dashiki Karakuri là búp bê lớn đặt trên xe rước trong các lễ hội. Xe có ba tầng với tầng trên cùng là các búp bê Karakuri trình diễn các vở kịch dựa trên các câu chuyện truyền thuyết. Tầng hai là nơi các nghệ nhân điều khiển Karakuri và tầng dưới cùng là nơi các nghệ nhân chơi nhạc.

Zashiki là loại Karakuri nhỏ nhất, được dùng để trang trí trong phòng khách. Thời phong kiến, đây là thứ đồ vật xa xỉ, chỉ dành cho giới quý tộc. Trong số các loại Karakuri, Zashiki là có chủng loại phong phú nhất và nhiều cử động phức tạp nhất. Hai loại Zashiki nổi tiếng nhất là Karakuri bắn cung, gọi là Yumihiki Doji, và Karakuri dân trà, gọi là Chakahobi.

Yumihiki Doji là búp bê ngồi trên bục cao khoảng 30cm, lần lượt nhặt bốn mũi tên trước mặt và bắn vào mục tiêu đặt sẵn là một chiếc trống nhỏ. Hoạt động của Yumihiki Doji dựa trên các bánh răng được gắn với nhau.

Nghệ nhân, sau khi đặt bốn mũi tên vào giá trước mặt Yumihiki Doji, sẽ lên dây cót. Các bánh răng quay tạo ra chuyển động lần lượt như sau, Yumihiki Doji từ từ nhặt mũi tên, lắp vào cung, quay mặt ra phía đích, hướng cung về đích, kéo dây cung và bắn tên. Sau khi bắn xong mũi tên thứ nhất, Yumihiki Doji lại tiếp tục quay mặt về phía giá đựng tên. Các chuyển động sẽ được lặp lại theo quy trình trên cho đến mũi tên cuối cùng.

Chakahobi là karakuri phổ biến cho giới quý tộc ngày xưa. Sau khi tách trà được chủ nhân đặt lên khay của Chakahobi, búp bê này sẽ chuyển động đến chỗ khách và ngừng lại khi tách trà được nhấc lên. Khi khách uống xong, đặt tách trà vào khay của Chakahobi, búp bê sẽ chuyển động trở về vị trí của chủ nhân.

Không chỉ là một loại hình văn hóa truyền thống đặc sắc, Karakuri đã chứng tỏ trí tuệ của người Nhật Bản từ xưa về khả năng ứng dụng và phát triển các nguyên lý kỹ thuật, đồng thời thể hiện sự tài hoa, tính kiên trì và thái độ làm việc nghiêm túc, một tính cách đặc trưng của dân tộc Nhật Bản.

Với những búp bê Karakuri có lịch sử từ hàng trăm năm trước, Karakuri đã trở thành một trong những niềm tự hào về ứng dụng khoa học kỹ thuật của người Nhật Bản từ thuở xa xưa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục