Đã có một thời gian khá dài sản phẩm các làng nghề truyền thống tưởng chừng như đã bị mai một, đi vào lãng quên.
Thế nhưng, kể từ khi mở cửa nền kinh tế cùng với những chuyển biến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, giá cả hợp lý, sự gần gũi thân quen cộng sự lan tỏa từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam," các làng nghề đã khẳng định được vị thế. Qua đó giúp nâng cao uy tín hàng Việt với người tiêu dùng, phát triển sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa.
Đi tìm bản sắc
Là cái nôi của thủ công mỹ nghệ, Hà Nội hiện có trên 1.350 làng nghề và làng có nghề với đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước đã góp phần kiến tạo những giá trị tinh hoa hàng Việt.
Không còn là những tạo hình đơn giản, thô sơ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề Việt Nam đang dần “lột xác” với dáng vẻ bắt mắt và trở thành những món đồ sáng tạo có giá trị cao, xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Với tâm huyết và sáng tạo, bà Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mây tre đan xuất khẩu Hiền Lương (Phú Xuyên, Hà Nội) đã biến cỏ tế (guột) với các nguyên liệu như cói, bẹ ngô, mây, tre, giang thành các sản phẩm nhiều năm liền được bình chọn là “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích."
Các sản phẩm chủ yếu là bát đựng hoa quả, lẵng hoa, cốc, lọ, con giống, thùng đựng, chao đèn, chậu, làn… ngoài tiêu thụ tại thị trường nội địa hàng năm còn xuất khẩu trên 100.000 sản phẩm, trị giá 17-18 tỷ đồng đi các thị trường như Rumani, Hungary, Mỹ, Nga…
Từ những viên đất sét vô tri vô giác qua bàn tay nhào nặn của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng đã tạo nên được những sản phẩm độc đáo, ấn tượng mang đậm nét văn hóa đặc sắc của làng quê Việt Nam. Đây chính là điểm đặc trưng tạo nên nét độc đáo của sản phẩm gốm sứ Bát Tràng nói riêng và làng nghề Việt Nam nói chung.
Vượt qua những khó khăn và thử thách trong thời kỳ mở cửa, làng gốm Bát Tràng đang từng ngày lớn mạnh, khẳng định vị thế bằng những sản phẩm mang những nét đặc trưng riêng của văn hóa dân tộc.
Hiện nay, gốm sứ Bát Tràng không chỉ dừng lại ở những sản phẩm truyền thống mà đã có nhiều sản phẩm kiểu mới đáp ứng yêu cầu tiêu dùng như các loại ấm chén, bát đĩa, lộc bình, sản phẩm gốm sứ trong ngành xây dựng và sản phẩm gốm sứ theo đơn đặt hàng.
[Bắt kịp xu hướng tiêu dùng: Hàng Việt chiếm ưu thế các kênh bán lẻ]
Song song với sự phát triển của gốm sứ Bát Tràng, làng gốm Bát Tràng còn được biết đến là một ngôi làng du lịch đầy tiềm năng. Đây được xem là cơ hội tuyệt vời để làng gốm Bát Tràng quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, đã chỉ ra những khó khăn mà các làng nghề đang phải đối mặt. Cụ thể như phần lớn các nguyên liệu được nhập tại Việt Nam nhưng giá thành lại của nước ngoài.
Sở dĩ vậy bởi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng nhập các nguyên liệu từ Việt Nam nên cơ sở sản xuất nguyên liệu cũng bán giá theo giá nước ngoài. Đây là một điều thiệt thòi với làng nghề. Vậy nên, việc xây dựng những vùng nguyên liệu bền vững cho các làng nghề là rất cần thiết.
Ngoài ra, nhằm tạo được sự hấp dẫn thu hút khách du lịch cần hợp tác liên kết nhiều làng nghề cũng như trao đổi sản phẩm. Đơn cử như Vạn Phúc sản xuất lụa có thể liên kết với đơn vị sản xuất áo, quà tặng… Đây là một cách giải quyết tiêu thụ sản phẩm trong nước và có cơ hội sản xuất ra nước ngoài.
Tận dụng lợi thế
Để khẳng định vị thế hàng Việt qua sản phẩm làng nghề, ông Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, cho rằng các làng nghề cần chú trọng xây dựng thương hiệu, quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu.
Song song đó, tập trung phát triển sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ về vốn, đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa, hợp tác, phát triển và mở rộng thị trường.
Đặc biệt, các làng nghề ưu tiên đẩy mạnh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế, phát triển thương mại điện tử thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.
Theo ông Tôn Gia Hóa, nếu đẩy mạnh việc liên kết phát triển sản phẩm giữa các làng nghề vốn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn. Cùng đó, nguyên liệu tập trung như gỗ, tre, nứa, song mây, nguyên liệu gốm… phải được xây dựng ở những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp.
Chuỗi giá trị của các sản phẩm làng nghề cần được phân bổ đồng đều và công bằng giữa các làng nghề có điều kiện tự nhiên, dân số và kinh tế khác nhau.
Các hiệp hội làng nghề sẽ là cầu nối cho mọi hoạt động hợp tác, liên kết trong cung cấp nguyên liệu, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề bền vững.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), nhấn mạnh Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ các làng nghề việc giữ nghề, nâng cao được giá trị làng nghề, kỹ thuật và máy móc thiết bị.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã hỗ trợ các làng nghề tham gia chương trình tôn vinh nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú được nhà nước công nhận.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đang ấp ủ một chương trình rất cao cấp đến với các nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú, qua đó hàng hóa không phải bán theo cách thông thường mà có thể theo công nghệ số như những bộ sưu tập nghệ thuật trên thế giới hiện nay.
Bộ Công Thương đã làm việc với các siêu thị lớn, không gian rộng để mỗi dịp cuối tuần sẽ dành một khoảng không gian trưng bày các sản phẩm của làng nghề nhằm giúp tiếp cận với người tiêu dùng nhiều hơn.
Tuy nhiên, để phát triển và tăng tính cạnh tranh cho hàng Việt, theo bà Lê Việt Nga, các làng nghề cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất lao động, hạ giá thành nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã.
Bên cạnh đó, các làng nghề phải nâng cao trình độ và năng lực tổ chức quản lý cũng như tăng cường khả năng liên kết và bắt tay chặt hơn trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh nhằm thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động và các nội dung “Tự hào hàng Việt Nam,” “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm quảng bá cho hàng Việt Nam, sản phẩm làng nghề Việt Nam có chất lượng, uy tín.
Điều này ngoài việc giúp nâng cao nhận thức về thói quen và hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam còn tạo đòn bẩy để làng nghề khẳng định vị thế và phát triển bền vững./.