Tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho chuỗi nông sản, thực phẩm Việt

Để đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối lớn của nước ngoài, DN Việt Nam phải cập nhật thông tin mới nhất tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, xu hướng tiêu dùng, có kỹ năng quảng bá sản phẩm.
Tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho chuỗi nông sản, thực phẩm Việt ảnh 1Các chuyên gia chia sẻ thông tin thương mại nông sản và thực phẩm tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Nông sản, thực phẩm Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng thế giới biết đến, nhưng để có thể khai thác các thị trường hiệu quả, người sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm cần tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững.

Đây là nội dung được các địa biểu chia sẻ tại “Hội thảo đẩy mạnh thương mại nông sản và thực phẩm trong bối cảnh hậu đại dịch và suy giảm kinh tế toàn cầu” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 19/10.

Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc phụ trách ITPC cho biết, năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm không chỉ đảm bảo đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới. Bằng chứng là nhiều sản phẩm lương thực, thực phẩm Việt đã vươn ra thị trường các nước thông qua xuất khẩu trực tiếp lẫn gián tiếp.

Sản phẩm của doanh nghiệp Việt xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị lớn thuộc các hệ thống phân phối hiện đại ở nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển khá tốt phương thức xuất khẩu hàng hóa thông qua các siêu thị lớn đang đầu tư tại Việt Nam. Giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua hệ thống phân phối hiện đại đang hiện diện tại Việt Nam tăng dần qua các năm.

Hàng Việt Nam được người tiêu dùng của nhiều quốc gia ngày càng quan tâm và đón nhận, từ nông sản, trái cây tươi như dừa, thanh long, chuối, vải… đến hàng thực phẩm chế biến với mỳ, phở ăn liền, gia vị, đồ uống; thủy sản như tôm, cá tra…

Đến nay, các sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt đã có mặt tại nhiều thị trường thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Trung Quốc, Italy, Pháp, Anh, Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Phi, Bắc Mỹ...

[Nông sản Việt tìm cách chinh phục thị trường Hà Lan và Bắc Âu]

Phó giám đốc phụ trách ITPC cho biết thêm, đại diện các Tập đoàn phân phối lớn trên thế giới đang có mặt ở Việt Nam như Walmart, Central Group, Aeon, Lotte, Decathlon,… sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu những sản phẩm Việt vào hệ thống phân phối nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng, giá cả, phản ứng của người tiêu dùng…

Tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho chuỗi nông sản, thực phẩm Việt ảnh 2Ông Trần Phú Lữ, Phó giám đốc phụ trách ITPC phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Để đưa được hàng hóa vào các hệ thống phân phối lớn của nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải cập nhật thông tin mới nhất tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, xu hướng tiêu dùng; có kiến thức, kỹ năng quảng bá sản phẩm Việt ra thị trường thế giới.

Bà Mai Thị Hồng, điều phối viên Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan-Việt Nam cho biết, các thị trường nhập khẩu đều yêu cầu chứng chỉ chất lượng riêng, doanh nghiệp cần cân nhắc đủ năng lực kiện toàn sản xuất, bao bì, nhãn mác, minh bạch nguyên liệu thô, cạnh tranh về giá thành để chọn được thị trường mục tiêu phù hợp.

Người bán phải luôn đặt mình vào địa vị người mua, xem người mua cần gì, chọn mua thì được lợi gì, khác gì so với sản phẩm khác. Sự bắt mắt, khơi gợi tò mò có thể khiến khách hàng mua lần đầu, nhưng để trở thành sản phẩm sử dụng thường xuyên, người tiêu dùng sẽ ưu tiên lựa chọn chất lượng, tính năng, tác dụng của sản phẩm.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 9 tháng năm 2022 ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, Tổ chức Nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence Inc dự báo trong giai đoạn 2021-2026, ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên đến 8,65%.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh còn chịu nhiều tác động của dịch bệnh, giá cả nguyên phụ liệu tăng cao, tiềm năng tăng trưởng của ngành lương thực, thực phẩm vẫn rất lớn. Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao hơn về chất lượng, sự an toàn, tính bền vững nên doanh nghiệp phải thay đổi để đap ứng đúng nhu cầu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Xuất khẩu trái cây Vina T&T chia sẻ kinh nghiệm, muốn xuất khẩu đi các quốc gia khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, doanh nghiệp phải đảm bảo kiểm soát được chất lượng hàng hóa mà thị trường yêu cầu. Với mặt hàng trái cây tươi phải thu hoạch, xử lý, vận chuyển từ trang trại tới nhà máy trong thời gian ngắn nhất để đảm bảo chất lượng và có công nghệ bảo quản hiệu quả.

Song song với việc đáp ứng tiêu chuẩn chung, doanh nghiệp xuất khẩu phải hiểu được đối tác. Dựa vào kinh nghiệm xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ làm việc với các đối tác, có thể thông qua mối quan hệ trước đó hay đại diện Tham tán thương mại Việt Nam tại nước sở tại để biết được hình thức hoạt động, kinh doanh của đối tác, từ đó đưa ra những phương án hợp tác lâu dài, hai bên cùng có lợi.

“Bất cập hiện nay của chuỗi nông sản Việt là các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp sản xuất ra khối lượng lớn, nhưng lại không có đầu ra ổn định và giá trị sản phẩm không cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp, nhà phân phối lại không biết mua sản phẩm ở đâu đảm bảo được chất lượng và số lượng. Thị trường đang đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật... Do đó, giải pháp quan trọng để giải quyết các vấn đề trên là hình thành chuỗi liên kết ngang, dọc trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp và hợp tác xã là con đường tất yếu tạo sự ổn định cho sản xuất và tiêu thụ, từng bước nâng cao chất lượng và uy tín của các mặt hàng nông sản Việt cả trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu,” Giám đốc Công ty Xuất khẩu trái cây Vina T&T khuyến nghị.

Việt Nam có lợi thế sản xuất đa dạng các loại nông sản, trái cây, nhưng cũng chịu sự cạnh tranh của nhiều quốc gia khác. Do đó, khi xác định thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp nghiên cứu các ưu, nhược điểm sản phẩm của mình với sản phẩm cạnh tranh trực tiếp của các quốc gia.

Để sản phẩm đạt được giá bán tốt nhất trên thị trường, doanh nghiệp cần cắt giảm các khâu trung gian và xây dựng quy trình xuất khẩu được giám sát nghiêm ngặt từ vùng trồng đến người tiêu dùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục