Sáng 24/10, tại địa bàn hai xã Phước Thái và Phước Vinh, huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), Tập đoàn Hà Đô phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Điện Mặt Trời Hà Đô Ninh Phước với công suất 50MWp với vốn đầu tư 1.079 tỷ đồng.
Tại lễ khánh thành, ông Chu Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty SP Việt Nam, nêu rõ Dự án Nhà máy Điện Mặt Trời Hà Đô Ninh Phước được triển khai đầu tư trên diện tích 58,7ha. Đây là dự án sử dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến bậc nhất hiện nay với hệ thống giá xoay theo công nghệ của Ideematec (Cộng hòa Liên bang Đức), được thiết kế xoay theo hướng nắng với biên độ góc thay đổi 110 độ, giúp cho các tấm pin khai thác tối đa lượng bức xạ Mặt Trời, mang lại sản lượng điện năng cao hơn 19,5% so với giá đỡ cố định thông thường; đồng thời khả năng chống chịu được sức gió bão mạnh cấp 12.
Hệ thống giá xoay dài và hiện đại giúp cho việc thi công bám sát và không làm thay đổi địa hình thực tế nên không phá vỡ môi trường tự nhiên.
[Các nhà máy điện Mặt Trời đưa vào vận hành đạt kỷ lục từ trước đến nay]
Bên cạnh đó, dự án sử dụng các tấm pin đơn tinh thể Mono Perc của hãng Sunpower (Mỹ) có công suất 410 Wp và 415 Wp với hiệu suất tương ứng là 19,9% và 20,1%. Đây là hãng pin chế tạo có hiệu suất chuyển đổi cao nhất trên thế giới so với các sản phẩm cùng phân khúc.
Riêng trạm biến áp 22/110kv do Tập đoàn Toji thiết kế và cung cấp lắp đặt với 100% thiết bị là của ABB, cùng với công nghệ biến tần chuỗi String Inverter có khả năng giám sát độc lập các chuỗi pin giúp phát hiện sớm sự cố và giảm thiểu thiệt hại khi có sự cố xảy ra, dễ dàng sửa chữa thay thế với mức chi phí thấp, đảm bảo hệ số khả dụng nhà máy luôn duy trì ở mức cao nhất.
Ngoài ra, dự án còn sử dụng hệ thống trạm biến áp thông minh STS 0.8/22kV kết hợp bộ góp công suất lên tới 6.3 MW, giúp giảm giá thành đầu tư, giảm tổn thất truyển tải. Đây là những ứng dụng sáng tạo và có khả năng nhân rộng cao.
Ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Hà Đô, chia sẻ được sự hỗ trợ tích cực của Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, của chính quyền địa phương vùng dự án, mặc dù trong thi công gặp nhiều khó khăn nhất định, thế nhưng với tinh thần quyết tâm cao của lãnh đạo Tập đoàn, của các đơn vị thi công, các đối tác uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước, sau hơn 3 tháng khẩn trương thi công, Nhà máy Điện mặt trời Hà Đô Ninh Phước đã chính thức phát điện và hòa lưới điện quốc gia ngày vào ngày 1/9/2020 và được Công ty Mua bán Điện thuộc Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam công nhận ngày vận hành thương mại vào ngày 4/9/2020.
Mỗi năm dự án sẽ phát lên lưới điện quốc gia khoảng 92 triệu kWh điện. Sau khi phát điện thương mại, nhà máy không chỉ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân bản địa mà còn đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng gần 37 tỷ đồng/năm.
Nhà máy Điện Mặt Trời Hà Đô Ninh Phước do Tập đoàn Hà Đô đầu tư đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn với môi trường, không mang lại ảnh hướng từ bụi, tiếng ồn hay chất thải công nghiệp.
Nhà máy sử dụng nguồn nguyên liệu sơ cấp là năng lượng Mặt Trời nên không có chất thải công nghiệp.
Các tấm pin Mặt Trời chế tạo bằng công nghệ bán dẫn không gây độc hại với môi trường hoàn toàn có khả năng tái chế sau khi hết niên hạn sử dụng.
Tại buỗi lễ, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết tính đến thời điểm này, Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất khoảng 2.417 MW điện mặt trời.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cấp Quyết định đầu tư cho 34 dự án, với tổng công suất 2.343MW, tổng vốn đầu tư hơn 62.000 tỷ đồng.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 31 dự án đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất khoảng 2.123MW.
Dự kiến đến tháng 11/2002 tiếp tục có 1 dự án đưa vào vận hành với công suất 50MWp; qua đó nâng tổng số dự án đưa vào vận hành thương mại đến cuối năm 2020 là 32 dự án, với tổng công suất khoảng 2.163MW, đạt 100% các dự án hoàn thành đúng tiến độ đặt ra trong năm 2020.
Với tiềm năng của địa phương, Ninh Thuận hội tụ đầy đủ những lợi thế để hình thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo đúng định hướng của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh, phù hợp theo tinh thần Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.