Ngày hôm nay, 26/9, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức khánh thành và gắn biển cầu Vĩnh Tuy giai đoạn I. Cầu Vĩnh Tuy là một trong bảy cây cầu bắc qua sông Hồng, được ghi nhận là một trong những dự án giao thông lớn nhất của thành phố. Phần cầu chính, cầu dẫn phía Vĩnh Tuy, đê Nguyễn Khoái, đường nối đê tả Hồng, tuyến đường 40m Long Biên-Thạch Bàn đã trở thành mạch nối giao thông quan trọng của Thủ đô và các tỉnh lân cận. Phát biểu tại lễ khánh thành và gắn biển cầu Vĩnh Tuy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Cầu Vĩnh Tuy được đưa vào sử dụng sẽ hoàn thiện quy hoạch vành đai II nâng cao năng lực hạ tầng, góp phần giải quyết những bức xúc trong giao thông đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội giữa Hà Nội với các tỉnh miền duyên hải và đồng bằng sông Hồng.” Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy và tuyến đường hai đầu cầu (giai đoạn 1) là một trong các công trình giao thông quan trọng của Thủ đô, góp phần giảm sự quá tải, ùn tắc giao thông cửa ngõ phía Đông đi vào trung tâm thành phố. Việc đưa vào sử dụng toàn bộ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 1) có ý nghĩa rất quan trọng trong dịp thành phố đang chuẩn bị tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Theo ông Đặng Vũ Nhật Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Hạ tầng Tả ngạn, đơn vị chủ đầu tư dự án, với việc thi công xong gói thầu số 16 (trong đó có nút giao vượt QL5), toàn bộ dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn I) - cây cầu bắc qua sông Hồng, rộng nhất Việt Nam hiện nay cơ bản đã hoàn thành; góp phần giảm tải giao thông rất lớn cho cầu Chương Dương, Thanh Trì. Trong giai đoạn II, Hà Nội sẽ hoàn thiện một nửa mặt cắt cầu còn lại theo quy hoạch với tổng chiều dài 3,5km. Trong đó, cầu chính vượt sông dài 990m, cầu dẫn trên bãi sông phía Bắc dài gần 1,75km, cầu vượt qua đê tả ngạn sông Hồng dài 200m, cầu dẫn phía Long Biên dài 210m và đường dẫn nối đến nút giao với đường Long Biên-Thạch Bàn dài 360m; bề rộng cầu, cầu dẫn và đường 19,25m. Dự kiến, giai đoạn II sẽ được khởi công vào tháng 8/2011. Tổng mức đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là 2.008 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn II, cầu Vĩnh Tuy sẽ là cây cầu rộng nhất Việt Nam, được khớp nối với đường vành đai II theo quy hoạch, tạo nên một tuyến giao thông huyết mạch của Thủ đô./.
Cầu Vĩnh Tuy được xây dựng trên địa bàn 2 quận Long Biên và Hai Bà Trưng, khởi công ngày 3/2/2005, tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng (giai đoạn I), được thông xe và đưa vào khai thác từ tháng 9/2009. Từ đó đến nay, theo thống kê của thành phố Hà Nội, trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 34.000 lượt xe qua lại. Cầu có kết cấu chuỗi nhịp chính vượt sông lớn nhất (8 nhịp) liên tục đúc hẫng dài 990m, trong đó nhịp đúc hẫng lớn nhất dài 135m; chiều dài cầu chính và cầu dẫn bằng bê tông và bê tông cốt thép dự ứng lực dài nhất, lên tới 3,7km; mặt cắt ngang cầu 19,25m. |
Mạnh Hùng (Vietnam+)