"Khát vọng thượng lưu" và những ẩn dụ về đời sống

Phim có thể gây khó chịu cho một số khán giả quen xem phim truyền thống nhưng hoàn toàn có thể chinh phục người xem có "đổi mới tư duy."
"Khát vọng thượng lưu" đã xuất hiện từ cuối tháng 11/2011 trên truyền hình và đã ngày càng thu hút được người xem. Sự vô lý "có tính hệ thống" đã gây khó chịu cho một số khán giả quen xem phim truyền thống nhưng nó hoàn toàn có thể chinh phục nhiều người xem có "đổi mới tư duy."

Quen xem phim vô lý...

Thói quen xem phim truyền hình là dõi theo các diễn biến giống như đời sống đã được coi là cách xem phim cũ. Không phải đến "Khát vọng thượng lưu" thì khán giả mới "được" xem sự vô lý trong các chi tiết không có trong đời sống mà lộ trình của nó đã có từ mấy năm nay, trên một số phim phát ở kênh VTV3.

Ví dụ như bộ phim "Cô nàng bất đắc dĩ" với sự thay đổi giới tính, khi Trần Anh Lân -Phó Tổng biên tập một tạp chí sau đêm ngủ dậy biến thành phụ nữ và được chuyển thành cô em họ Lan Anh. Việc để em họ (dù giỏi đến mấy) vào thay vị trí của một người lãnh đạo ở tòa soạn báo là điều vô lý...

Sau đó, đến phim "Sự thú nhận của Eva" với một nhân vật vào hai vai, vừa là cô giúp việc ở nhà vừa là cô gái Việt kiều ở quán bar mà nhân vật Giám đốc Trần Nguyên mãi không nhận ra. Nhớ lại, mới thấy bước đi xa của nội dung phim truyền hình mới và cách tiếp nhận phim ảnh mới. Đó là loại phim giả tưởng, không cần giống như đời sống nhưng lại ẩn dụ về đời sống.

40 tập phim "Khát vọng thượng lưu" (của đạo diễn Nguyễn Dương thực hiện cho Hãng phim Vietcom, biên kịch  là nhóm Nam Quốc) đặt vấn đề hoán đổi vị trí giữa hai anh chàng có ngoại hình giống hệt nhau song lại có hoàn cảnh và tính cách trái ngược.

Nhân vật Hoàng là anh diễn viên nghèo vừa tốt nghiệp trường sân khấu điện ảnh đang tập tành vào vai, trong một lần đụng xe đã gặp Phong, một chàng trai giống hệt Hoàng nhưng lại là một công tử nhà giàu, là người đang tham gia quản lý và sắp tiếp nhận một gia sản lớn.

Trong khi Phong chán làm kinh doanh thì Hoàng chán làm diễn viên. Ban đầu Phong ham chơi nên "thuê" Hoàng vào vị trí của mình ở công ty. Sau đó, vì phải thế chân Hoàng ở đoàn làm phim mà Phong càng đam mê diễn xuất và Hoàng lại thể hiện năng lực trong công việc quản lý doanh nghiệp mà trước đây Phong vốn chểnh mảng.

Có những đợt Hoàng thay Phong đến ở nhà Phong và ngược lại, Hoàng đem lòng yêu An-em gái Phong. Đi làm phim cùng Lê-người yêu Hoàng thì Phong đã không thể không có tình cảm với cô gái tốt và xinh đẹp này. Câu chuyện phim hấp dẫn vì những tình tiết sáng lộ dần nhưng lại luôn kèm những bài toán mới được đặt ra.

Đó là khi mẹ của Phong nhận ra người giống hệt con trai mình đang ở nhà mình không phải là con ruột. Bà đã tìm cách để thử ADN xem có phải là con riêng của chồng không. Bà đã điều tra ra việc tham tiền của Hoàng khi  gian lận bán cổ phiếu của Phong để lấy tiền mong đổi đời. Bà cũng thuê thám tử để củng cố phát hiện của bà về mối quan hệ tình ái của Hoàng với con gái mình...

Và tréo ngoe là bà mẹ hoàn toàn không tin Hoàng có tình yêu với con gái mình. Bởi những gì bà thấy từ "hồ sơ phạm pháp" dày công của bà về Hoàng, khiến bà không thể nhìn ra điều gì khác. Hoàng đã "nhúng chàm" thì khó nói về tình yêu trong sáng.

Chị Hằng, một khán giả ở Hà Nội rất "chịu khó" theo đủ các tập phim "Khát vọng thượng lưu", nhận xét: "Loại phim xem không bị căng thẳng này rất dễ cuốn khán giả. Dù có xem dở chừng vẫn hiểu. Với những phim không ai "bới lông tìm vết" để truy ra những điểm vô lý thì xem vài tập là có thể hiểu."

"Trong phim này, diễn viên Bình Minh thể hiện hai vai diễn khá tốt. Diễn xuất  thuyết phục tới mức vẫn là một gương mặt, vóc người mà nhiều tập liền cứ đến nhân vật Phong vui tính và chân thành thì người xem thấy quý, đến Hoàng tham tiền và thủ đoạn thì ai cũng thấy ghét. Bên cạnh đó, nhờ Vũ Thu Phương vào vai Lê cũng như Elly Trần đã vào vai An ngày một "ngấm" hơn," khán giả này nhận xét.
 
Những ẩn dụ nào cho người xem?


Nếu xem phim chỉ vui vui thì cũng nhàn nhạt qua đi. Nhưng xem ra bộ phim này đã động đến những triết lý đời sống khá thấm thía.

Là một khán giả của phim truyền hình này nhưng do hay phải đi công tác nên đành tập xem, tập bỏ, anh Hưng nói: "Trong đời sống, ta không bao giờ lo ai đó giống hệt mình. Phim làm nảy câu hỏi về việc nếu một người thân của ta từ ngoại hình, giọng nói thật giống nhưng tâm trí và tình cảm đã khác thì sao? Chuyện này ai dám bảo không có? Thử suy nghĩ về những gì ngoài hình ảnh bên ngoài của người khác trong tâm trí mình, ta sẽ có được trải nghiệm thú vị!"

Trong phim, nhân vật con thật gọi mẹ bằng "má mi" và nhảy ton tót,  sợ ăn cay, uống sữa như nghiện sữa còn nhân vật con giả thì khi nói chuyện với mẹ bằng "thưa mẹ," đi đứng đĩnh đạc, mê ăn cay và tránh uống sữa.

Bộ phim cũng đặt ra những ẩn dụ chuyện đời. Đó là tâm lý "Con cá trượt là con cá to," sau những cuộc tình tan vỡ hình bóng người xưa hay lung linh, nếu người yêu sau có hình ảnh giống hệt người trước thì sao?

Hoặc thực tế, có nhiều người "thần tượng" cha mẹ, anh chị của mình nhưng nếu yêu một người giống hệt người thân ấy thì sẽ thế nào? Đáp án bất ngờ từ phim "Khát vọng thượng lưu" là cái bên ngoài tưởng vô cùng quan trọng bỗng nhiên như "phá sản" nếu khác bản chất, khác tâm tính.

Còn một thắc mắc với khán giả là tại sao bà mẹ không nhận ra sự thay đổi của con mình suốt một thời gian lâu đến thế? Người bố thành đạt của Phong có thể "quan liêu" đã đành nhưng người mẹ thì nhất định phải nhận ra người lạ trong vóc dáng con mình. Và quả nhiên hành trình theo dõi điều tra của bà đã thấu đáo và bật mở khi bà đối mặt với kẻ mạo nhận... Và thắc mắc vừa được giải đáp ở tập phát ngày 14/2/2012.

Nhà tâm lý học Ninh Hạnh Quyên cho biết: "Qua việc Phong mê đóng phim mà thành bỏ bê gia đình ruột thịt và Hoàng mê tiền bỏ người yêu, bỏ nghề nghiệp mà bản thân đã khổ học... cũng như nhiều người xung quanh không nhận thấy "phép tráo đổi" thì phim cho thấy chuyện đời rằng: Người ta đã sống chủ quan với người nhà và hời hợt với các quan hệ ngoài gia đình biết bao!"

Phim còn tiếp tục, hay dở sẽ còn nhiều điều để bàn, song những bài học mà "Khát vọng thương lưu" đã khéo léo gửi gắm là những ẩn dụ có giá trị nhất định. Ai cũng phải sống cuộc sống của chính mình. Nếu ao ước cuộc sống của người khác để giàu sang hay nổi danh, mà không có nền móng thì cũng sẽ chìm trong bị kịch./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục