Khi Mỹ 'dọn dẹp' lại 'nhà cửa' của họ, thế kỷ Á- Âu bắt đầu!

Á-Âu không phải là một khối chắc chắn cũng như không tạo thành một khối chống Mỹ, nhưng nó lớn hơn nhiều xét về mặt kinh tế, dân số, trình độ dân trí và đang bắt kịp các công nghệ mà Mỹ dẫn đầu.
Khi Mỹ 'dọn dẹp' lại 'nhà cửa' của họ, thế kỷ Á- Âu bắt đầu! ảnh 1(Nguồn: Vietnam+)

Theo asiatimes.com, năm 1997, Zbigniew Brzezinski đã viết: “Á-Âu là siêu lục địa hướng trục… Chắc chắn không có kẻ thách thức Á-Âu nào trỗi dậy, có khả năng thống trị Á-Âu và thách thức cả nước Mỹ.”

Giới nghiên cứu địa chính trị chiến lược của Mỹ hiện vẫn bị ám ảnh bởi ý tưởng này, cũng như những người phản đối và ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu không có một kẻ thách thức Á-Âu duy nhất? Điều gì sẽ xảy ra nếu thương mại và đầu tư giữa một số trung tâm quyền lực nằm giữa bờ biển Đại Tây Dương của châu Âu và Tây Thái Bình Dương chỉ tăng trưởng cho đến khi chúng lớn hơn đáng kể so với toàn bộ hoạt động kinh tế của Mỹ?

Trên thực tế, họ đã làm được điều đó. Hiện có những sự khác biệt trong dữ liệu do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các nguồn khác cung cấp, nhưng trong năm 2019, Mỹ chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu trên danh nghĩa (tính bằng đồng USD), nhưng chỉ 15% dựa trên sức mua tương đương (PPP).

Lục địa Âu-Á chỉ chiếm hơn 55% GDP toàn cầu trên danh nghĩa và gần 60% tính theo PPP. Trên danh nghĩa, các thành phần lớn nhất của nền kinh tế Á-Âu chính là Liên minh châu Âu (EU) với 21%, Trung Quốc 16%, Nhật Bản 6%, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 4% và Ấn Độ 3%. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và ASEAN cộng lại chiếm 12%.

Tính theo PPP, các con số tương ứng là EU 13%, Trung Quốc 20%, Nhật Bản 4%, ASEAN 6% và Ấn Độ 8%. Các nền kinh tế Đông và Đông Nam Á kết hợp chiếm 13%.

Điều này cho thấy Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN là những thị trường có cơ hội lớn nhất, với tiềm năng tăng trưởng lớn nhất về danh nghĩa nếu đồng USD giảm giá.

[Tham vọng kết nối Á-Âu của EU qua con mắt báo chí và chuyên gia]

Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN cũng chiếm khoảng 45% dân số thế giới so với chưa đến 5% của Mỹ. Và toàn bộ lục địa Á-Âu chiếm hơn 60% dân số toàn cầu.

Các nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tính theo PPP cũng lớn hơn đáng kể so với trên cơ sở danh nghĩa. Năm 2019, quy mô nền kinh tế của Nga chỉ bằng khoảng 2/5 quy mô của Đức trên cơ sở danh nghĩa, nhưng quy mô tương đương nếu dựa trên PPP.

Về danh nghĩa, quy mô nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bằng 1/5 quy mô của Đức, nhưng bằng khoảng một nửa so với Đức nếu tính theo PPP.

Tất nhiên, Mỹ cũng là một phần của thị trường lớn hơn - USMCA (Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada), trước đây được gọi là NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ). Nhưng điều này không làm thay đổi sự mất cân bằng cơ bản với lục địa Á-Âu.

Ba quốc gia Bắc Mỹ chiếm khoảng 28% GDP toàn cầu trên cơ sở danh nghĩa, 20% tính theo PPP và 6,5% dân số thế giới. Còn nền kinh tế lớn khác ở Mỹ Latinh là Brazil có kim ngạch thương mại với lục địa Á-Âu gấp 2,5 lần so với USMCA.

Kết nối nội bộ lục địa Á-Âu

Đầu tháng 6 vừa qua, chuyến tàu chở hàng đầu tiên đến Tiburg của Hà Lan đã khởi hành từ Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy của Trung Quốc, nằm ở phía Tây Nam Kinh.

Hiện có 20 tuyến đường sắt chở hàng hóa kết nối Hợp Phì với châu Âu. Theo Tân Hoa xã, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 200 chuyến tàu đã khởi hành từ Hợp Phì trên các tuyến đường này.

Kể từ khi tuyến đường đến Duisburg của Đức được thiết lập năm 2011, các chuyến tàu chở hàng đã kết nối khoảng 60 thành phố ở Trung Quốc với 50 thành phố ở 15 quốc gia châu Âu, đến tận London và Madrid.

Trong tháng 5 năm nay, hơn 1.000 chuyến tàu chở hàng đã vận hành giữa Trung Quốc và châu Âu - tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng hàng hóa cũng tăng gần 50%. Lục địa Á-Âu đang được kết nối nội bộ mà không có sự tham gia của Mỹ.

Các chuyến tàu chở hàng đã thay thế việc vận chuyển bằng đường hàng không, đường biển và đường bộ bị gián đoạn do COVID-19, nhưng điều này chỉ thúc đẩy xu hướng dài hạn.

Giảm giao dịch bằng đồng USD

Lý do duy nhất để giao dịch thương mại hoặc đầu tư trong khu vực Á-Âu bằng đồng USD là sự thuận tiện và các nhà lãnh đạo thích áp dụng lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến việc này ngày càng trở nên khó khăn hơn.

Vì lý do này hay lý do khác, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ Á-Âu, bao gồm cả các cá nhân và các tổ chức doanh nghiệp.

Các mục tiêu của Mỹ bao gồm Trung Quốc, Triều Tiên, Myanmar, Iran, Pakistan, Syria, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Nga, Ukraine, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức.

Phản ứng này diễn ra từ từ, nhưng có thể dự đoán được. Đầu năm nay, các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ và Pakistan - đã quyết định chuyển giao dịch thương mại và đầu tư giữa các nước này với nhau từ đồng USD sang đồng tiền quốc gia của họ.

Hiện Trung Quốc và Nga đang tích cực nhất trong quá trình này. Trong 5 năm qua, tỷ trọng giao dịch giữa hai quốc gia tính bằng USD đã giảm từ khoảng 90% xuống dưới 50%.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, lượng giao dịch bằng các loại tiền tệ trong quý đầu tiên của năm 2020 đã giảm 46% tính theo đồng USD; 30% theo đồng euro; và 24% tính theo đồng rúp và nhân dân tệ.

Đồng euro đã bắt kịp với đồng USD trong thương mại giữa Nga và EU và dương như sẽ vượt qua đồng bạc xanh trong tương lai gần. Ấn Độ và Nga đang ngày càng tích cực giao dịch bằng đồng nội tệ của họ, cũng như giữa Ấn Độ và Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Kể từ tháng 9/2019, Rosneft, nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất của Nga, đã định giá các hợp đồng mới bằng đồng euro.

Công cụ tăng trưởng đã lỗi thời

Cho đến gần đây, Mỹ từng là cơ hội phát triển cho phần còn lại của thế giới. Giờ đây, việc chuyển sang chủ nghĩa bảo hộ và can thiệp tích cực vào nền kinh tế của các đồng minh, kẻ thù cũng như các quốc gia trung lập gây ra mối đe dọa đối với sự phát triển của các quốc gia khác.

Lục địa Á-Âu và phần còn lại của thế giới không cần phải chịu đựng điều đó và họ sẽ không làm vậy. Á-Âu chính là cơ hội phát triển của chính họ. Kim ngạch thương mại của EU với phần còn lại của Á-Âu - gần một nửa trong số đó với Trung Quốc - gấp hơn 2 lần kim ngạch thương mại với Mỹ. Kim ngạch thương mại của Ấn Độ với phần còn lại của Á-Âu - gần 1/4 trong số đó là với Trung Quốc - lớn gấp 5 lần kim ngạch thương mại của nước này với Mỹ.

Chỉ riêng kim ngạch thương mại của Nhật Bản với Trung Quốc đã gấp 1,4 lần kim ngạch thương mại của nước này với Mỹ. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc nhiều hơn 80% so với xuất khẩu sang Mỹ. Danh sách tiếp tục kéo dài.

Mỹ đã bị thâm hụt thương mại kể từ thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Và, ngoại trừ lần thặng dư không đáng kể vào năm 1991, Mỹ đã ghi nhận tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai kể từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ XX.

Với hàng triệu việc làm và phần lớn vai trò lãnh đạo công nghiệp bị mất vào nguồn thuê từ bên ngoài, người Mỹ cuối cùng đã quyết định rằng như vậy là quá đủ.

Cả ông Trump và ông Biden - đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ - đều đồng ý về điểm này.

Bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, Mỹ sẽ không trở lại như một đầu tàu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thay vào đó, nước này đang áp dụng các chính sách thay thế nhập khẩu theo chủ nghĩa trọng thương vốn tạo ra các nền kinh tế “thần kỳ” ở Đông Á.

Trong khi đó, Nhật Bản và Đức có thể tuyên bố đảm nhận vai trò quan trọng trong thương mại tự do. Đây không phải là một tình thế bất thường trong ngắn hạn.

Có thể phải mất một thế hệ để Mỹ điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế và xã hội, xây dựng lại cơ sở công nghiệp và cải cách hệ thống giáo dục. Các nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew và Đại học Washington đã xếp Mỹ từ hạng 24 đến hạng 38 trên thế giới về chăm sóc y tế và giáo dục, toán học và khoa học. Đây là một “cái hố sâu” cần phải thoát ra.

Á-Âu không phải là một khối chắc chắn cũng như không tạo thành một khối chống Mỹ, nhưng nó lớn hơn nhiều xét về mặt kinh tế, đông dân số hơn và trình độ dân trí ngày càng cao và đang bắt kịp các công nghệ mà Mỹ vẫn dẫn đầu. Khi Mỹ chuyển sang “dọn dẹp” lại “nhà cửa” của họ, thế kỷ Á-Âu đã bắt đầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục