Sự suy giảm của đồng USD trong vai trò đồng tiền dự trữ của thế giới là chủ đề tốn nhiều giấy mực trong nhiều năm qua, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008.
Dù những đồn đoán về sự suy yếu của đồng USD có thể bị phóng đại, nhưng dữ liệu từ Hội đồng Đại Tây Dương cho thấy thế giới thực sự đang sử dụng đồng USD ít hơn nhiều so với những năm đầu thế kỷ này.
Theo Chỉ số theo dõi mức độ thống trị của đồng USD của Hội đồng Đại Tây Dương, tỷ trọng của “đồng bạc xanh” trong dự trữ toàn cầu đứng ở mức 58% vào năm 2024, giảm 14 điểm phần trăm so với năm 2002.
Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết, đồng USD đã giữ vai trò là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, nhưng trong những năm gần đây, và đặc biệt là kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tăng cường áp dụng các biện pháp trừng phạt tài chính, một số quốc gia đã có ý định đa dạng hóa khỏi đồng USD.
Tốc độ phi USD hóa đã tăng lên trong những năm gần đây và các nhà nghiên cứu chỉ ra một diễn biến đã thúc đẩy xu hướng này, đó là sự phát triển của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Báo cáo cho biết: “Trong 24 tháng qua, các thành viên của BRICS đã tích cực thúc đẩy việc sử dụng các đồng tiền quốc gia trong thương mại và giao dịch. Cùng lúc đó, Trung Quốc đang mở rộng hệ thống thanh toán thay thế của mình cho các đối tác thương mại và tìm cách tăng cường sử dụng đồng NDT trên toàn cầu.”
Các chuyên gia nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương xác định BRICS là một thách thức tiềm năng đối với vị thế của đồng USD, do BRICS ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP toàn cầu và mỗi quốc gia thành viên của nhóm này đều phát đi tín hiệu muốn giao dịch nhiều hơn bằng các đồng tiền quốc gia, trong đó, đồng NDT có tiềm năng cạnh tranh cao nhất với đồng USD trong vai trò là đồng tiền thương mại và dự trữ.
Báo cáo xác định hai chỉ số chính cho thấy sức mạnh ngày càng tăng của cơ sở hạ tầng tài chính thay thế mà Trung Quốc đang xây dựng là “các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc với các nước BRICS và các thành viên trong Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc (CIPS).
Các nhà nghiên cứu cho biết từ tháng 6/2023-5/2024, “CIPS đã bổ sung thêm sáu mươi hai thành viên trực tiếp và hiện gồm 142 thành viên trực tiếp và 1.394 thành viên gián tiếp.”
Báo cáo lưu ý cho đến nay SWIFT vẫn là dẫn đầu, với hơn 11.000 ngân hàng được kết nối,” nhưng vì các thành viên CIPS trực tiếp có thể thực hiện các giao dịch mà không cần dựa vào SWIFT hay đồng USD, nên các chỉ số truyền thống về mức độ sử dụng đồng NDT có thể đang đánh giá thấp giá trị thực tế của đồng tiền này.
Tuy nhiên, dù Trung Quốc đã đạt được những bước tiến trong việc thu hút các đối tác vào CIPS, các nhà nghiên cứu nhận định vai trò của đồng USD như đồng tiền dự trữ toàn cầu chính vẫn vững chắc trong ngắn hạn và trung hạn.
Theo báo cáo, đồng USD tiếp tục dẫn đầu trong dự trữ ngoại hối, hóa đơn thương mại và giao dịch tiền tệ trên toàn cầu.
Báo cáo cho biết tất cả các đối thủ tiềm năng, trong đó có đồng euro, đều ít có khả năng thách thức vị thế của đồng USD trong tương lai gần.
Về việc phát triển một hệ thống thanh toán trong nội bộ BRICS, Hội đồng Đại Tây Dương nhận thấy rằng các cuộc đàm phán về một hệ thống như vậy “đang ở giai đoạn đầu, nhưng các thành viên đã đạt được các thỏa thuận song phương và đa phương, với trọng tâm là các đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) và các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ.”
Các nhà nghiên cứu cho rằng những thỏa thuận này có thể khó mở rộng do các vấn đề về quy định và thanh khoản, nhưng theo thời gian có thể tạo cơ sở cho một nền tảng trao đổi tiền tệ.
Mặc dù đồng nhân dân tệ được cho là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế của đồng USD, nhưng những khó khăn gần đây của nước này, trong đó có cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản, đã khiến đồng nhân dân tệ mất đi một phần vị thế so với đồng USD trong dự trữ ngoại tệ.
Báo cáo cho biết trong quý cuối cùng của năm 2023, tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu giảm từ mức cao nhất là 2,8% vào năm 2022 xuống còn 2,3%, dù chính phủ nước này đã hỗ trợ tích cực cho tính thanh khoản của đồng nhân dân tệ thông qua các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ.
Giải thích cho diễn biến này, báo cáo cho rằng các nhà quản lý dự trữ ngoài hội có thể coi đồng nhân dân tệ là một loại tiền tệ có rủi ro địa chính trị cao, trước những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, lập trường của chính phủ nước này về xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng gia tăng với Mỹ và G7.
Dựa trên sáu “đặc điểm cần thiết của một đồng tiền dự trữ” mà Hội đồng Đại Tây Dương đặt ra, euro là đồng tiền phù hợp nhất để trở thành đồng tiền dự trữ sau đồng USD, tiếp theo mới là nhân dân tệ./.
USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu trong ngắn hạn và trung hạn
Đồng euro cũng như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đều không thể làm giảm sự phụ thuộc của toàn cầu vào đồng bạc xanh.