Khó khăn khi giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng tại rừng Sóc Sơn

Xã Minh Phú (Sơn Sơn, Hà Nội) đang gặp khó khăn trong việc cưỡng chế, giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng tại rừng phòng hộ đặc dụng, bảo vệ môi trường.
Khó khăn khi giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng tại rừng Sóc Sơn ảnh 1Công trình xây dựng trên rừng phòng hộ đặc dụng nằm trong kế hoạch giải tỏa, tháo dỡ tại xã Minh Phú (Sóc Sơn). (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Xã Minh Phú (Sơn Sơn, Hà Nội) đang gặp khó khăn trong việc cưỡng chế, giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng tại rừng phòng hộ đặc dụng, bảo vệ môi trường.

Trong sáng 12/11, xã Minh Phú đã thành lập đoàn để giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng. Tuy nhiên có ý kiến kiến nghị của người dân nên địa phương này đã tạm dừng cưỡng chế, tiếp tục vận động, tuyên truyền để người dân tự giác tháo dỡ công trình.

Sáng 12/11, ghi nhận tại hiện trường thuộc lô 3.2 khoảnh 12 thôn Lâm Trường (Minh Phú) có nhiều loại vật liệu ngổn ngang cho thấy việc tháo dỡ, tự tháo dỡ đã diễn ra.

[Quyết liệt xử lý các công trình sai phạm ở Sóc Sơn trong tháng 11]

Tính đến ngày 12/11, mới chỉ có năm hộ trong tổng số 18 hộ tự giải tỏa tháo dỡ công trình vi phạm. Trong số các công trình đã giải tỏa, tháo dỡ gồm có bốn nhà ở, một nhà bảo vệ và một lán tạm. Các công trình trên được xây dựng bằng vật liệu cứng như sắt, bê tông xi măng, gỗ...

Lý giải về việc tỷ lệ tháo dỡ công trình vi phạm còn thấp, ông Nguyễn Văn Hân - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Phú (Sóc Sơn) - cho biết xã có Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 17/9/2018 thực hiện giải tỏa các công trình vi phạm trong giai đoạn 1; trong đó tập trung xử lý những hộ có nhiều hạng mục vi phạm gồm: Đỗ Việt Hùng (Đỗ Việt Anh), Phạm Đức Thắng, Trần Thị Kim.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Phú Nguyễn Văn Hân cũng nêu khó khăn trong quá trình cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm, đó là một số hộ dân có kiến nghị, làm đơn gửi các cấp như: thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn. Các hộ dân tập trung kiến nghị, đề xuất dừng tháo dỡ cho đến khi Thanh tra thành phố chính thức có kết luận về những sai phạm trong quản lý, xây dựng trên đất rừng thì Ủy ban Nhân dân xã mới tiến hành giải tỏa.

Khó khăn khi giải tỏa vi phạm trật tự xây dựng tại rừng Sóc Sơn ảnh 2Công trình xây dựng trên rừng phòng hộ đặc dụng nằm trong kế hoạch giải tỏa, tháo dỡ tại xã Minh Phú (Sóc Sơn). (Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN)

Để cho người dân chấp hành các quy định của pháp luật, tránh bức xúc trong quá trình tháo dỡ, giải tỏa công trình vi phạm, ông Nguyễn Văn Hân cũng cho biết: "Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân xã Minh Phú đã tổ chức ghi nhận khối lượng vi phạm cũ và mới để có căn cứ xử lý. Đồng thời, thực hiện đối thoại với 18 người dân nằm trong danh sách bị cưỡng chế, giải tỏa do vi phạm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Qua đó, ghi nhận những ý kiến kiến nghị đề xuất của người dân theo nhóm vấn đề. Riêng nhóm người dân thuộc dự án JIFPRO (Dự án trồng rừng do Nhật Bản đầu tư) chúng tôi cũng báo cáo với các cấp để xem xét."

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn cho biết thêm từ ngày 12-16/11 xã tiếp tục thành lập đoàn công tác gồm thanh tra xây dựng, cán bộ địa chính, kiểm lâm, ban quản lý rừng, các đoàn thể... thực hiện vận động tuyên truyền để người dân tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Trong trường hợp quá ngày kể trên nếu các hộ không giải tỏa sẽ trực tiếp cưỡng chế giải tỏa.

Trước sai phạm một số hộ cá nhân xây dựng công trình trên đất rừng phòng hộ đặc dụng - bảo vệ môi trường, huyện Sóc Sơn có văn bản số 2185/UBND-TTXD ngày 29/10 yêu cầu xã Minh Phú phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục xử lý cưỡng chế các trường hợp vi phạm, phải hoàn thành cưỡng chế giải tỏa 18 trường hợp xong trước 20/11/2018.

Theo kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 17/9/2018 của xã Minh Phú về cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn được Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt, có yêu cầu: thực hiện nghiêm kỷ cương pháp luật, nâng cao quản lý nhà nước về quản lý đất đai và trật tự xây dựng. Kịp thời ngăn chặn các phát sinh vi phạm mới ảnh hưởng đến kỷ cương pháp luật trật tự an toàn xã hội của địa phương. Đồng thời, thông qua cưỡng chế dỡ bỏ công trình để đảm bảo công bằng xã hội, tăng cường sự đoàn kết trong dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục