Khoảng 12 triệu liều vaccine chuyển tới các địa phương đang có dịch

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong tháng Tám, vaccine sẽ được đóng ống tại Việt Nam và chuyển sang giai đoạn chuyển giao công nghệ vào cuối năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXV)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXV)

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 25/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các địa phương đã thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các Tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng; trong tháng Bảy này, dự kiến khoảng hơn 12 triệu liều vaccine được chuyển cho các địa phương đang có dịch.

Truy vết thần tốc, kiểm soát sớm tình hình

Thông tin tại phiên thảo luận ở hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đại dịch COVID-19 đang diễn ra hết sức phức tạp, gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng chống dịch của các nước trên thế giới. Các quốc gia Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ đang tiếp tục hứng chịu làn sóng mới của dịch bệnh với một biến thể có sức lây lan nhanh, mạnh chưa từng có.

Tại Việt Nam, đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ cuối tháng Tư đã tấn công vào khu kinh tế trọng điểm phía Bắc và hiện nay là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với diễn biến phức tạp, kéo dài đã tác động lớn tới kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân.

[Bí thư Hà Nội: Kỷ luật chính là sức mạnh trong phòng, chống COVID-19]

Tuy vậy, với phương châm xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc,” dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, chuẩn bị các kịch bản ứng phó với các tình huống; áp dụng các phương pháp xét nghiệm và thực hiện giãn cách, cách ly phù hợp; thực hiện truy vết thần tốc, phát huy vai trò của các Tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng…

Về phía Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã điều động gần 7.000 nhân viên y tế của Trung ương và địa phương chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đồng thời thiết lập kho dã chiến để hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng. Với sự “chi viện” đó, về tổng thể, các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và bước đầu có những tín hiệu tích cực.

Hơn 12 triệu liều vaccine cho vùng dịch

Riêng về chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết thực hiện kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, từ đầu năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt chiến lược vaccine toàn diện trên các lĩnh vực: Mua, nhập khẩu vaccine, nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và tổ chức tiêm vaccine.

Khoảng 12 triệu liều vaccine chuyển tới các địa phương đang có dịch ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Nguyên Linh/TTXVN)

Cùng với đó, Việt Nam cũng đã thỏa thuận cung ứng vaccine đầu tiên được ký kết vào tháng 9/2020 từ Chương trình Covax với 38,9 triệu liều vaccine; hợp đồng được ký với Astra Zeneca vào tháng 11/2020, với 30 triệu liều cùng các hợp đồng cam kết thỏa thuận được ký kết với Pfizer, với Nga và một số nước khác…

Theo người đứng đầu ngành Y tế, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Australia, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều vaccine và đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vaccine trong năm 2021.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý do tình hình khan hiếm vaccine trên toàn cầu, khả năng sản xuất của các nhà máy có hạn (như Covax cung ứng 3,86 tỷ liều nhưng đến nay mới cung ứng được 89,8 triệu liều cho 133 quốc gia, đạt 2,5% theo kế hoạch). Các trung tâm sản xuất vaccine của thế giới như Ấn Độ cũng bị ảnh hưởng nặng nề nên đã dừng xuất khẩu vaccine cho các nước.

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vaccine, riêng trong tháng 7/2021 sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều vaccine được chuyển cho các địa phương đang có dịch… để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ cũng như theo đề nghị của các địa phương.

Về nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine, ông Long cho biết Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập, nuôi cấy virus, mở đường cho nghiên cứu vaccine và là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á tiến hành thử nghiệm vaccine giai đoạn 3. Dự kiến, đến tháng 8/2021, mũi tiêm thứ 2 sẽ hoàn thành cho các đối tượng nghiên cứu và thực hiện việc đăng ký theo quy định.

“Hiện nay, chúng ta có 3 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật Bản đã được ký kết. Với Nga, chúng ta đã hoàn thành giai đoạn 1 gia công, đóng ống vaccine Sputnik-V và đang được kiểm định chất lượng tại Nga. Trong tháng Tám, vaccine sẽ được đóng ống tại Việt Nam và chuyển sang giai đoạn chuyển giao công nghệ vào cuối năm 2021,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Riêng hợp đồng với Mỹ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết việc chuyển giao công nghệ vaccine cao nhất sẽ được tiến hành thử nghiệm vào tháng 8/2021. Hiện Nhà máy sản xuất với quy mô trên 100 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022.

Cùng với đó, chiến dịch tiêm chủng trên cả nước hiện cũng đã được khởi động và đang đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục