Khởi động nghiên cứu đánh giá chiến lược phát triển

Tọa đàm khởi động nghiên cứu đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển KTXH 2011-2020 đã diễn ra ngày 12/6.
Ngày 12/6, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) tổ chức tọa đàm “Khởi động nghiên cứu đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020,” với sự tham gia của các chuyên gia liên ngành.

Nghiên cứu này thuộc dự án Nâng cao năng lực xây dựng các chính sách phát triển con người ở Việt Nam, do VASS và Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc phối hợp thực hiện.

Các chuyên gia cùng trao đổi về xây dựng kế hoạch, thảo luận đề cương và xác định đề tài nghiên cứu. Nội dung nghiên cứu cần bám kế hoạch, có đánh giá thực trạng kinh tế-xã hội nói chung, theo ngành, đánh giá thể chế chính sách, đánh giá nguồn nhân lực vì đây là đòn bẩy cho phát triển, chuẩn hóa bộ chỉ số.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch VASS cho biết: Nghiên cứu này cần theo một quy trình xuyên suốt. Việc đánh giá giữa kỳ là cái cớ để tập trung cho báo cáo giai đoạn 5 năm và chuẩn bị cho cơ sở chiến lược phát triển 10 năm đến năm 2020, thậm chí nghĩ tới giai đoạn dài hơi hơn, đến năm 2030.

Quan điểm mới trong nghiên cứu tổng kết là làm rõ được quá trình hoạch định chính sách hiện nay đang đưa nghị quyết vào cuộc sống hay đưa cuộc sống vào nghị quyết.

Quan điểm đánh giá phải khách quan, trung thực kế hoạch phát triển, dựa trên phát triển bền vững, kinh tế thị trường và hội nhập, nhìn một cách toàn diện, trọng tâm hướng đến phát triển con người. Căn cứ đánh giá bám sát vào nội dung văn kiện nhưng không phải mô phỏng mà thể hiện việc nhìn nhận các quan điểm đặt ra; vào thực tiễn phát triển trong 3 năm qua nhưng đặt trong tham chiếu 10 năm. Căn cứ phải đặt trong sự thay đổi nhanh của khu vực và thế giới như vấn đề yêu cầu tái cơ cấu kinh tế, tăng trưởng xanh, quản trị nhà nước.

Nội dung nghiên cứu phải có nhận diện thực tế bối cảnh kế hoạch, chiến lược; phát hiện được các nghịch lý phát triển kinh tế Việt Nam; đánh giá quan điểm kế hoạch 5 năm, 10 năm; mô hình kinh tế tổng quát, mô hình tăng trưởng trong đó đánh giá thể chế là quan trọng.

Vấn đề mấu chốt là đưa ra được dự báo bối cảnh mới để đề xuất những điểm mới trong chiến lược phát triển, kiến nghị cho 2 giai đoạn gồm 2014-2015 là ổn định để chặn đà suy giảm và 5 năm tiếp theo.

VASS phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương để đưa ra kết quả nhằm thay đổi tư duy các nhà quản lý trong hoạch định chính sách phát triển, tư duy của nhân dân nói chung./.

Minh Nguyệt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục