Khối Tây Phi dự chi 294 tỷ USD chống biến đổi khí hậu

Theo thỏa thuận với EU, các thành viên ECOWAS đã lên kế hoạch chi 294 tỷ USD trong 10 năm tới để ứng phó với những vấn đề của biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng xói mòn đất.
Khối Tây Phi dự chi 294 tỷ USD chống biến đổi khí hậu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: agribusinesstv.info)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các nhà lãnh đạo của Cộng đồng các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã nhất trí về một chiến lược khu vực nhằm đối phó với tình trạng ấm lên toàn cầu trong 10 năm tới.

Tuyên bố được ECOWAS đưa ra trong cuộc họp báo ngày 29/4 tại thủ đô Accra của Ghana.

Theo thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU), các thành viên của tổ chức này đã lên kế hoạch chi 294 tỷ USD trong 10 năm tới để ứng phó với những vấn đề của biến đổi khí hậu, trong đó có tình trạng xói mòn đất.

Ủy viên ECOWAS phụ trách Nông nghiệp, môi trường và tài nguyên nước Sekou Sangare cho biết chiến lược này cũng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc thay đổi lối sống để giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Chiến lược này nêu chi tiết cách thức hợp tác của các tổ chức khu vực, 15 quốc gia thành viên của ECOWAS, các đối tác và các tổ chức.

Chiến lược cũng hướng tới một chính sách mang tính khu vực tương thích với hiệp định về biến đổi khí hậu Paris và thúc đẩy khả năng phục hồi môi trường trong các cộng đồng địa phương.

[Vùng Sừng châu Phi hứng chịu hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ]

Theo Báo cáo thường niên về khí hậu năm 2019 của Tổ chức Khí tượng Thế giới, suy thoái và xói mòn bờ biển là những thách thức lớn, đặc biệt là ở Tây Phi.

Khoảng 56% các bờ biển của Benin, Cote d'Voire, Senegal và Togo đang bị xói mòn và tình trạng này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Báo cáo trên nhận định việc mực nước biển dâng cao chưa phải là nguyên nhân chính nhưng khi kết hợp với các yếu tố khác sẽ làm trầm trọng thêm những thay đổi môi trường tại đây theo chiều hướng tiêu cực.

Một báo cáo năm 2019 của Liên hợp quốc cũng đã xác định Tây Phi là một điểm nóng về biến đổi khí hậu, có thể làm giảm năng suất cây trồng đồng thời tác động nhiều hơn đến an ninh lương thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục