Bảo vệ nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của người dân trước đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có những giải pháp khá đồng bộ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội được cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn dân ghi nhận và đánh giá cao.
Đánh giá những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị để có được những thành công bước đầu như hiện nay và bàn việc chọn giải pháp hiệu quả để vực dậy nền kinh tế và "giải vây" cho các doanh nghiệp trước những khó khăn, thách thức đặt ra do dịch bệnh, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN.
- Ông bình luận như thế nào về những giải pháp mà Chính phủ, các bộ, ngành đang triển khai để hỗ trợ doanh nghiệp?
Ông Vũ Tiến Lộc: Chúng ta đang có cơ hội để bước ra khỏi đà suy giảm kinh tế xuất phát từ đại dịch sớm hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Mặc dù, trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp khá đồng bộ về tài khóa, tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ cho doanh nghiệp cùng người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đó là những nỗ lực lớn, rất đáng trân trọng.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải tổ chức việc hỗ trợ và triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ sao cho thật khẩn trương và hiệu quả. Doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn. Nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày thì có thể doanh nghiệp đã “băng hà” thì việc có được Nhà nước “hà hơi tiếp sức” cũng chỉ bằng không. Nếu “chống dịch như chống giặc” thì việc “giải cứu doanh nghiệp” cũng cần khẩn trương để bảo vệ nền kinh tế và bảo vệ sinh kế cho nhân dân.
- Diễn biễn của dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu chưa có nhiều dấu hiệu lạc quan, trong khi Việt Nam lại là quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và tăng trưởng. Ông đánh giá như thế nào về tình hình này?
Ông Vũ Tiến Lộc: Trong điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, tôi cho rằng việc mở cửa thị trường nội địa sẽ là phao cứu sinh cho doanh nghiệp lúc này và gói kích thích kinh tế lớn nhất có hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại là cần sớm xóa bỏ việc “ngăn sông cấm chợ” để mở cửa lại thị trường nội địa nhằm giải vây cho doanh nghiệp.
Hiện nay, các nhà máy sản xuất đã được tiếp tục, công trường đã mở cửa trở lại, nhưng nếu việc lưu thông hàng hóa vẫn bị hạn chế, các cửa hàng, cửa hiệu không được mở, hoạt động giao thông vận tải vẫn ách tắc thì chuỗi cung ứng vẫn bị đứt đoạn và nền kinh tế vẫn trì trệ.
Do đó, tôi đề nghị cần cho phép các cửa hàng, cửa hiệu được mở lại, khôi phục lại phần lớn các hoạt động dịch vụ, tái tục lại hoạt động du lịch nội địa, khơi thông tình hình giao thông nội địa, nhất là cho hoạt động trở lại các tuyến, đường bay nội địa… trên cơ sở bảo đảm các điều kiện giãn cách xã hội theo quy định của ngành y tế như là người dân tham gia cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Chậm dỡ bỏ các biện pháp “ngăn sông, cấm chợ” chẳng khác nào chúng ta một tay bơm tiền giải cứu còn tay kia vẫn hạn chế thị trường và hệ quả là các chính sách không đồng hướng, triệt tiêu nhau và doanh nghiệp không thể trở lại hoạt động kinh doanh như kỳ vọng. Dòng chảy kinh doanh cần được khai thông khẩn trương để sớm trở lại trạng thái bình thường.
- Nhiều ý kiến cho rằng trong khi các nền kinh tế khác trên toàn cầu đang chật vật đối phó với dịch bệnh COVID-19, Việt Nam cần “tranh thủ” những diễn biến tích cực trong việc ứng phó với dịch bệnh để làm bước đột phá cho nền kinh tế, nếu không, ít nhất cũng phải nhanh chóng thoát ra tình trạng đóng băng như hiện nay. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Ông Vũ Tiến Lộc: Việt Nam đã có 268 bệnh nhân lây nhiễm COVID-19, nhưng đã có gần 800.000 doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cùng người dân chịu ảnh hưởng và lĩnh đủ hậu quả trước những tác động của dịch bệnh này. Rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã phải đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất; không ít trong số đó buộc phải chuyển sang trạng thái “ngủ đông."
Tôi thấy rằng tình hình đang rất nghiêm trọng. 50% doanh nghiệp sẽ khó có thể tiếp tục trụ vững sau nửa năm tới đây nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Hàng triệu người lao động đã và đang bị mất việc làm hoặc có nguy cơ bị mất việc làm trong thời gian tới.
Mở cửa sớm thị trường, trước hết là thị trường trong nước - vốn là không gian kinh tế mà chúng ta có thể chủ động điều tiết trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt như hiện nay, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện việc tái khởi động, mà trong nhiều trường hợp sẽ không cần đến các “máy trợ thở” về tài chính của Chính phủ.
Đây là yêu cầu cấp bách và cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đi trước trong cuộc chiến này để đón đầu cơ hội phục hồi nền kinh tế. Đi trước là một lợi thế không nên bỏ lỡ.
[Thống đốc: Các ngân hàng cần chia sẻ tối đa khó khăn với doanh nghiệp]
Dù các nền kinh tế trên thế giới đang chật vật trong công cuộc phòng chống dịch bệnh và khống chế việc lây nhiễm, nhưng họ cũng đang khẩn trương chuyển sang trạng thái sẵn sàng để mở cửa lại thị trường. Đừng để mất cơ hội khi chúng ta đã đi trước trong phòng chống dịch nhưng có thể lại là “người đến sau” trong việc tái khởi động và phục hồi nền kinh tế.
Thêm một lần nữa, tôi xin khuyến nghị Chính phủ, cần phát động ngay Tháng cao điểm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hay “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam"... Với nguồn lực của gần 100 triệu đồng bào sẽ là niềm tin, là bệ đỡ vững chắc cho những nỗ lực “đứng lên” của cộng đồng doanh nghiệp từ thị trường sân nhà.
Chúng ta đang chiến thắng COVID-19 về y tế, hy vọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục chiến thắng COVID-19 về kinh tế. Để sự phối hợp được thống nhất và hài hòa giữa các nỗ lực của các ngành, các cấp và của cộng đồng doanh nghiệp trên chiến trận kinh tế rất gian nan này, tôi đề nghị thành lập ngay Ban chỉ đạo và Tổ công tác tái khởi động nền kinh tế và phục hồi doanh nghiệp của Chính phủ do Thủ tướng là “Tư lệnh mặt trận” - Trưởng ban chỉ đạo.
- Trân trọng cảm ơn ông!