Khơi thông thị trường vốn từ chính sách thuế phù hợp

Việc vẫn chỉ trông chờ vào nguồn tín dụng ngân hàng đang làm khó cho chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME),  đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Trong khi đó, một nguồn vốn rất tiềm năng từ các quỹ đầu tư lại đang bị xem nhẹ.

Làm thế nào để "khơi thông" nguồn vốn cho các doanh nghiệp SME cũng như việc áp dụng một chính sách thuế phù hợp để khuyến khích cả đầu tư trong và ngoài nước trên thị trường vốn là chủ đề của cuộc hội thảo vừa được Bộ Tài chính tổ chức vào cuối tuần qua.
Việc vẫn chỉ trông chờ vào nguồn tín dụng ngân hàng đang làm khó cho chính các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME),  đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Trong khi đó, một nguồn vốn rất tiềm năng từ các quỹ đầu tư lại đang bị xem nhẹ.

Làm thế nào để "khơi thông" nguồn vốn cho các doanh nghiệp SME cũng như việc áp dụng một chính sách thuế phù hợp để khuyến khích cả đầu tư trong và ngoài nước trên thị trường vốn là chủ đề của cuộc hội thảo vừa được Bộ Tài chính tổ chức vào cuối tuần qua.

Nối vốn nhà đầu tư với doanh nghiệp SME

Ông Lê Hoàng Anh, Giám đốc Dragon Capital cho biết, hiện điều kiện khai thác vốn đầu tư từ nước ngoài đang rất chậm và khó khăn. Theo ông Tuấn, huy động quỹ từ các nhà đầu tư cá nhân để phát triển thị trường trong nước là một điều rất tốt. Đã đến lúc phát triển huy động vốn từ tư nhân cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn năng lượng điện, không nên tiếp tục để chính phủ phải “è cổ” ra gánh.

Theo Dragon Capital, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chiếm tới 96% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng góp 40% GDP và tạo ra khoảng 1 triệu việc làm mới mỗi năm. Tuy nhiên, những đối tượng này lại luôn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn từ phía ngân hàng.

Bên cạnh đó trên thị trường niêm yết, số liệu từ Ủy Ban chứng khoán Nhà nước cho thấy cả năm 2011, tổng giá trị vốn huy động qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa trên thị trường chỉ đạt khoảng 17,5 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, những các giao dịch chuyển nhượng vốn cả các công ty tư nhân, công ty chưa niêm yết (theo dạng mua bán sáp nhập và phát hành vốn mới) lại đạt đến 3 tỷ USD (không bao gồm bất động sản), tương ứng khoảng 62,2 nghìn tỷ đồng.

"Điều này chỉ ra, loại hình quỹ Private equity (một dạng quỹ đóng có tài sản chủ yếu là các khoản đầu tư và các phần vốn góp vào các công ty tư nhân hoặc công ty đại chúng chưa niêm yết) là một kênh huy động vốn cần thiết và ngày càng trở nên quan trọng hơn so với việc các quỹ đại chúng đã và đang đầu tư vào các công ty niêm yết hay vốn tín dụng ngân hàng," ông Hoàng Anh so sánh.

Đối với hệ thống doanh nghiệp SME, quỹ Private equity cung cấp một nguồn vốn đủ lớn, lâu dài và ổn định, tạo cơ sở cho sự phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn mở rộng thị trường và tăng công suất sản xuất.

Thêm vào đó, thông qua các quỹ Private equity, nhà đầu tư có thêm một cơ hội tiếp cận vào nhóm doanh nghiệp năng động nhất, có nhiều tiềm năng và mang lại lợi nhuận cao với mức rủi ro phù hợp.

Đại diện đến từ Công ty Quản lý Quỹ SSI lại đề cập đến việc phát triển các quỹ mở, một công cụ hữu hiệu để ngành quản lý quỹ của Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn đa dạng, linh hoạt thay đổi theo từng diễn biến thị trường.

Việc có nhiều sản phẩm đầu tư mới sẽ thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư có tổ chức cũng như dòng vốn đầu tư sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Khẳng định rõ tầm quan trọng về việc phát triển các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường chứng khoán. Bà Hồ Thị Hằng, Vụ phó Vụ pháp chế, Bộ Tài chính nhấn mạnh, mục tiêu tái cơ cấu thị trường chứng khoán, trong đó có việc phát triển cơ cở các nhà đầu tư là các quỹ được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, cần thiết có những nghiên cứu về chính sách pháp luật liên quan đến thuế tại các hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán, nhằm mục tiêu đảm bảo tính hợp lý, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Cần chính sách thuế thống nhất

Tại hội thảo, các đại diện đến từ các tổ chức đã thẳng thắn trao đổi ý kiến về chính sách thuế hiện tại và đưa ra những kiến nghị thiết thực với điều kiện thị trường chứng khoán và nền kinh tế Việt Nam trong quá trình hội nhập hiện nay.

Ông Lê Hoàng Anh cho rằng, sắc thuế chuyển nhượng chứng khoán (chuyển nhượng cổ phần tại các công ty đại chúng) và chuyển nhượng vốn (chuyển nhượng cổ phần tại các công ty cổ phần không đại chúng) là khác nhau. Chính điều này đã khiến việc đầu tư vốn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng mức cao hơn nhiều do các công ty này phần lớn không phải là công ty đại chúng.

Thêm vào đó, các pháp nhân, cá nhân trong nước và nước ngoài cũng đóng các mức thuế khác nhau, như trường hợp nhà đầu tư trong nước chuyển nhượng vốn đã phải nộp thuế cao hơn với mức 20% trên lợi tức, nhà đầu tư nước ngoài chỉ là 0,1% trên tổng giá bán.

Ông Hoàng Anh cũng đưa ra cảnh báo về khả năng xuất hiện các doanh nghiệp lách luật để tránh mức thuế chuyển nhượng vốn theo quy định là 25% trên lợi tức.

Bằng cách, các tổ chức, cá nhân (Việt Nam, nước ngoài) có thể tạm thời đăng ký công ty đại chúng để được hưởng mức thuế 0,1% trên tổng giá bán. Ngoài ra, có thể chọn một cá nhân nước ngoài làm trung gian để hưởng thuế suất 0,1% trên doanh thu.

Cụ thể, công ty A mua 100 cổ phiếu XXX (không đại chúng) với giá 1.000 đồng/cổ phiếu. Sau một năm, công ty A bán cho công ty B với giá 1.500 đồng/cổ phiếu. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp công ty A phải đóng là 125 đồng/cổ phiếu (500 đồng x 25%).

Tuy nhiên nếu công ty A bán cho một cá nhân nước ngoài với giá gốc là 1.000 đồng/cổ phiếu, sau đó người này bán lại cho công ty B với giá 1.500 đồng/cổ phiếu. Khi đó số thuế các bên chỉ phải trả là 1,5 đồng/cổ phiếu (500 đồng x 0,1%).

Đó là chưa kể, theo bà Bùi Thu Thủy, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Bộ phận giao dịch chứng khoán, Ngân hàng HSBC, thuế suất trên lãi tiền vay (nhận trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, tiền gửi ngân hàng) từ 1/3/2012 là 5% (Nghị định 122/2011/NĐ-CP), tuy nhiên tới nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn, nên ở thời điểm hiện tại ngân hàng phải giữ quan điểm thận trọng và ghi nhận với khách hàng ở mức thuế cũ là 10%.

Do đó, bà Thủy kiến nghị, xây dựng chính sách thuế phải hướng tới thu hút vốn đầu tư dài hạn từ nhà đầu tư nước ngoài, cần phải thống nhất cách hiểu về nhà đầu tư nước ngoài để tính thuế đồng thời cần có quy định riêng đối với hoạt động đầu tư chứng khoán…

Ngoài ra, ông Hoàng Anh cũng đề xuất, việc đầu tư chuyển nhượng vốn tại công ty không đại chúng cần có mức thuế suất ngang bằng như tại các công ty đại chúng, niêm yết.

“Bộ Tài chính nên cho phép thực hiện thuế suất 0,1% của doanh thu cho cả hai loại hình chuyển nhượng vốn trên hoặc cho phép nhà đầu tư lựa chọn giữa hai mức thuế suất 25% trên lợi nhuận và 0,1% trên doanh thu một cách linh hoạt,” ông Hoàng Anh nói.

Theo vị đại diện Công ty Quản lý Quỹ SSI, “Xét thực tiễn thị trường Việt Nam, để tạo điều kiện cho các quỹ mở vốn còn rất mới mẻ đối với các nhà đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng nên xem xét miễn thuế đối với các khoản lợi tức/cổ tức mà nhà đầu tư nhận được từ quỹ mở và không nên phân biệt giữa các quỹ có chuyến lược đầu tư khác nhau (quỹ chuyên đầu tư vào thị trường tiền tệ, quỹ chuyên đầu tư vào trái phiếu, quỹ chuyên đầu tư vào cổ phiếu).

Ông Phạm Đình Thi, Phó vụ trưởng, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính ghi nhận, “Đây là một vấn đề nóng và nhạy cảm, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một thị trường mới, tuy nhiên chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức mới không chỉ đối với thị trường chứng khoán mà cả đối với toàn thể nền kinh tế trong nước."

Tuy nhiên, ông Thi cũng nhấn mạnh rằng, về quản lý, hệ thống chính chính sách thuế phải xác định góp phần làm thị trường phát triển lành mạnh hay thúc đẩy thị trường phát triển. "Nhưng không có nghĩa chính sách thuế là van điều chỉnh thị trường, mặc dù thuế là một trong những công cụ điều tiết vĩ mô. Ở đây, chính sách thuế mang tính chất dài hạn, để làm sao khuyến khích thị trường ổn định," theo ông Thi./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục