Dự án “đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết” của Bộ Giao thông Vận tải được lựa chọn là dự án “thí điểm” đầu tiên của Chính phủ Việt Nam theo hình thức hợp tác đối tác công tư (PPP) từ năm 2010.
Ngay từ khi ra đời, dự án đã nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Ngân hàng Thế giới (WB) cùng sự quan tâm từ cộng đồng các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thế nhưng, sau 5 năm thí điểm, dự án “đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết” vẫn ở giai đoạn tiền triển khai.
Cùng chung số phận thí điểm với dự án “đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết” là 38 dự án PPP khác. Chỉ có duy nhất một dự án đã được triển khai vào năm 2012, đó là dự án hầm đường bộ Đèo Cả đi qua hai tỉnh Phú Yên-Khánh Hòa.
Vướng mắc chính là ở chỗ chính sách và cơ chế hoạt động của hình thức PPP theo Quyết định 71/2010/QĐ-TTg đã không đảm bảo được một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh để vận hành mô hình này.
Thêm vào đó, việc phân định hợp đồng PPP theo Quyết định 71; hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh (BTO) và hợp đồng xây dựng-chuyển giao (BT) theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP đã phần nào gây ra những khó khăn và thu hẹp phạm vi hợp tác công-tư trên nhiều lĩnh vực.
Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về PPP (trên cơ sở hợp nhất Quyết định 71 và Nghị định 108) đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 10/4/2015 khắc phục những bất cập xung quanh hình thức đầu tư PPP. Nghị định 15 đã tạo ra cơ chế pháp lý theo hướng tăng tính hấp dẫn cho nhà đầu tư, thông qua các ưu đãi về thuế: thuế thu nhập doanh nghiệp dành cho nhà đầu tư, thuế xuất, nhập khẩu hàng hóa để thực hiện dự án và miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê.
Về tổng thể, Nghị định 15 đã phần nào phù hợp hơn với các thông lệ quốc tế, tiệm cận với các khuyến nghị về chính sách phát triển kết cấu hạ tầng của Diễn đàn kinh tế thế giới trong các năm qua. Theo đó, các lĩnh vực của đầu tư công được mở rộng hơn nhiều so với trước đây, từ kết cấu hạ tầng cơ bản cho đến các công trình, dịch vụ công trong các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, dạy nghề… góp phần xóa bỏ độc quyền Nhà nước trong xây dựng, quản lý, khai thác và điều hành đầu tư công.
Bên cạnh việc chính thức đưa các dự án BOT, BTO và BT trở thành một dạng của hợp đồng đầu tư theo hình thức PPP, Nghị định 15 cũng đã bổ sung một số loại hợp đồng mới như xây dựng-sở hữu-kinh doanh (BOO), xây dựng-chuyển giao-thuê dịch vụ (BTL), xây dựng-thuê dịch vụ-chuyển giao (BLT), kinh doanh-quản lý (O&M) vào danh sách hợp đồng đầu tư cùng loại.
Sau khi Nghị định 15 được ban hành và chính thức đi vào đời sống, xu hướng phát triển của các dự án PPP gia tăng rõ rệt.
Một số dự án bị bỏ quên, vướng mắc đã phần nào được khai thông. Những dự án điển hình như đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, nhà máy xử lý nước thải An Nghiệp, đường liên cảng Nhơn Trạch, dự án cấp nước nông thôn cho một số địa phương… hầu hết đều được đánh giá lại và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng, nhu cầu đầu tư thông qua các dự án BOT đang nở rộ. Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy hiện có 48 dự án PPP trong lĩnh vực giao thông đang được triển khai. Tính riêng năm 2014, số vốn tư nhân huy động được đạt gần 43,000 tỷ đồng; trong đó, phần lớn xuất phát từ các nhà đầu tư tư nhân trong nước.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, từ nay đến năm 2020, nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng của toàn ngành cần khoảng 960.000 tỷ đồng. Tính riêng các dự án đầu tư theo hình thức PPP mức kinh phí xấp xỉ 400.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước góp khoảng gần 50.000 tỷn đồng, chiếm 12,5%, còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.
Ngoài lĩnh vực giao thông, hầu hết các lĩnh vực hạ tầng công cộng khác đều mở rộng cánh cửa đối với nhà đầu tư tư nhân thông qua PPP. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn theo PPP giai đoạn 2016-2020 cho 16 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 6,387 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm 5,378 tỷ đồng.
Ngành Giáo dục và Đào tạo lập kế hoạch huy động 81,6% vốn từ các doanh nghiệp tư nhân cho tổng mức đầu tư 6.057,5 tỷ đồng cho 5 năm tới… Như vậy, nguồn cung của các dự án PPP tại Việt Nam là rất lớn, tạo ra triển vọng thu hút đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào để đảm bảo cơ chế đầu tư hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư dự án, Nhà nước và người sử dụng?
Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mọi dự án cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư vận hành đều phải đảm bảo các yêu cầu và điều kiện của Nhà nước. Để đảm bảo tính công bằng, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện qua hình thức đấu thầu cạnh tranh.
“Nếu chúng ta chỉ định thầu thì nhà đầu tư sẽ ra giá cao để thu phí, giá cả dịch vụ cao. Trong khi với đấu thầu cạnh tranh, nhà đầu tư đưa giá cao sẽ trượt, nếu có nhà đầu tư đưa giá cạnh tranh hơn. Cho nên chúng ta sẽ chọn nhà đầu tư chào giá cạnh tranh nhất vào thời điểm đó, để đảm bảo việc thu phí hàng hóa, dịch vụ sau này đáp ứng được lợi ích các bên,” ông Tăng nói.
Theo ông Tăng, khi các dự án PPP không có đủ nguồn thu, lúc đó nhà nước sẽ tham gia đầu tư vào các hạng mục cơ bản, đảm bảo khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư.
Ông chia sẻ: “Khi nhà đầu tư họ đầu tư vào một dự án PPP nào đó, họ tính toán rất kỹ các chi phí vì đấy là túi tiền của họ, Nếu dự án nào thật khả thi, họ mới đầu tư, với dự án ít khả thi, Nhà nước sẽ có quy chế riêng để tham gia vào.”
Điều này cho thấy Nghị định 15 đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí về cân đối, hài hòa lợi ích của các dự án PPP.
Nhưng Nghị định này mới chỉ là bước mở đường ban đầu, để PPP có thể vận hành hiệu quả tại Việt Nam, vẫn cần những quy định cụ thể và một cơ chế hoạt động hợp lý để vận hành mô hình từ chính các nhà đầu tư dự án./.