Rất nhiều người đã quyết tâm cải thiện sức khỏe bằng cách đăng ký gói tập gym cả năm, để rồi phải bỏ cuộc chỉ sau vài ngày vì cảm thấy quá “ngộp," khi chật vật với cường độ tập luyện cao đột ngột. Hầu hết đều không nghĩ rằng sự kiên trì và vận động đều đặn mới mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, nếu bạn không phải là một người có thể chăm chỉ đến phòng gym để thực hiện mục tiêu khỏe và đẹp thì hãy “bỏ túi” ngay những bí quyết sau đây.
1. Sử dụng bàn đứng
Nếu một công việc khiến bạn phải ngồi quá nhiều thì nguy cơ đau nhức sẽ diễn ra vào cuối ngày. Một chiếc bàn đứng có thể ngăn ngừa tình trạng trên xảy ra. Các nghiên cứu cũng cho thấy ngồi càng nhiều sẽ tăng nguy cơ tử vong. Chính vì vậy nhiều chuyên gia luôn khuyến khích các đối tượng như học sinh, sinh viên hay nhân viên văn phòng nên rời khỏi ghế sau 40-45 phút ngồi liên tục.
Ngoài việc duy trì tư thế, chiếc bàn đứng còn khiến chúng ta sử dụng cơ bắp nhiều hơn so với lúc ngồi, qua đó bạn sẽ đốt năng lượng nhiều hơn. Cuối cùng, các nhà khoa học còn tiết lộ rằng làm việc với tư thế đứng sẽ giảm stress, tối thiểu cảm giác mệt mỏi, cũng như tăng hiệu suất làm việc và điều hòa nhịp thở của con người.
Còn nếu không có bàn đứng? Hãy đứng lên và vận động giãn cơ mỗi 30 phút một lần.
2. Đi cầu thang bộ
Cũng giống như đứng tốt hơn ngồi, việc đi bộ sẽ có nhiều ích lợi hơn là đứng yên một chỗ. Theo các nhà khoa học tại Đại học McMaster (Mỹ), chỉ cần bỏ thời gian đi cầu thang 3 lần/tuần (thay vì dùng thang máy) cũng đủ để cải thiện chức năng tim mạch một cách đáng kể. Và “cuốc bộ” trên cầu thang cũng là cách để đốt cháy calories, đồng thời giúp các cơ bắp ở chân/mông được săn chắc hơn.
[Sự thật không ngờ về các thiết bị tập luyện tại phòng tập gym]
3. Vận động cơ thể mọi lúc mọi nơi
Bạn có thể dễ dàng thực hiện nhiều bài tập ngay tại bàn làm việc như squat trên ghế chẳng hạn. Những bài tập này không tốn quá nhiều sức lực nhưng giúp các cơ bắp luôn trong tình trạng vận động và đốt năng lượng. Ngoài ra, việc vận động cơ thể thậm chí còn đơn giản hơn như đứng một chân khi đánh răng hoặc rửa chén.
4. Đi bộ hoặc đạp xe đến nơi làm việc
Đạp xe và đi bộ được đánh giá là một trong những hình thức vận động có ảnh hưởng tích cực đến nhịp thở của chúng ta. Nếu thực hiện đều đặn mỗi ngày chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt về thể chất và tăng cường sức bền đáng kể.
5. Ngồi trên bóng tập thể thao
Thay vì dùng ghế, tại sao không thử ngồi làm việc trên bóng tập thể thao cao su? Theo một số nghiên cứu, bóng cao su sẽ làm bạn sử dụng nhiều cơ bắp để ngồi hơn nhưng không gây đau mỏi. Ngoài ra, ngồi trên bóng cũng giúp lưng bạn không bị gù như ngồi ghế thông thường. Chưa hết, bạn còn có thể dùng nó để ngồi xem tivi hay đọc sách và thậm chí là ứng dụng vào một số bài tập rèn luyện độ dẻo cho cơ thể.
6. Bỏ suy nghĩ “đã tập thì phải tập cho mệt”
Đối với một số người, họ thường suy nghĩ đã tập thì phải tập lâu và tự vắt kiệt sức của bản thân vì cho rằng chỉ như vậy mới mang lại kết quả. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm vì khối lượng và thời gian bài tập phải phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của mỗi người, cũng như tùy thời điểm mà chúng ta sẽ áp dụng những phương pháp khác nhau.
Riêng những ai thích tập trong thời gian ngắn nhưng vẫn đạt hiệu quả thì có thể tìm hiểu về các dạng HIIT (High intensity interval training - Bài tập cường độ cao ngắt quãng), TABATA (phương pháp tập luyện cường độ cực cao, đốt cháy calo cả trong và sau khi tập)./.
Bài: HO TAN PHAN
Ảnh: TL