Không để xảy ra tình trạng tương tự như Vinashin

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, không để xảy ra tình trạng tương tự.
Trước khi kết thúc phần trả lời chất vấn của mình trên nghị trường Quốc hội, sáng 24/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục khẳng định trách nhiệm và những quyết tâm của Thủ tướng và tập thể Chính phủ trước Quốc hội vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Thủ tướng nói: "Tôi được Quốc hội giao nhiệm vụ làm Thủ tướng Chính phủ, bản thân tôi và thành viên Chính phủ đã làm hết sức mình để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, trên tinh thần thực hiện đúng hiến pháp và pháp luật, tất cả vì lợi ích của đất nước, của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, kết quả đạt được, lúc nào chúng tôi cũng nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế của mình, để khắc phục, để thực hiện chức trách nhiệm vụ tốt hơn."

Trân trọng những góp ý của các Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự chia sẻ, hợp tác, giúp đỡ của Quốc hội để Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ hoàn thành chức trách của mình đối với đất nước, đối với Đảng và nhân dân.

Trong hơn hai tiếng trực tiếp trả lời chất vấn của chín vị đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu Chính phủ về một số hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước liên quan đến Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), sẽ kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của mình và các thành viên Chính phủ theo đúng trình tự, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) mở đầu chất vấn, Vinashin sẽ tự vay, tự trả bằng cách nào? Trách nhiệm đại diện chủ sở hữu quản lý Tập đoàn, các Tổng công ty 91 của Thủ tướng trước thực trạng của Vinashin như hiện nay? Sau Vinashin có chủ trương tái cơ cấu các tập đoàn khác không, đặc biệt Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Vì lý do gì mà 50% đại biểu Quốc hội không muốn để lại 3.500 tỷ đồng cho tập đoàn dầu khí nhưng Chính phủ vẫn quyết định cấp số tiền đó cho họ. Thủ tướng kiểm soát việc sử dụng vốn của tập đoàn này thế nào?

Thủ tướng cho biết, Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam đã được qua nhiều lần thảo luận tại Chính phủ là khả thi. Nhưng từ đề án đến thực hiện trở thành hiện thực là còn một quá trình đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt, cụ thể. Trong quá trình thực hiện đề án này, một nguyên tắc đặt ra là phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, đúng chủ trương của Đảng.

Thủ tướng khẳng định, Ban Chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin sẽ kiên trì thực hiện theo quy trình đó. Nội dung cụ thể như thế nào để trả được nợ, Ban chỉ đạo, Hội đồng quản trị Tập đoàn sẽ sẵn sàng trình bày để các đại biểu góp ý kiến.

Kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm Thủ tướng và các thành viên Chính phủ


Các đại biểu Phạm Thị Loan và Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cùng có câu hỏi về trách nhiệm của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong vụ việc Vinashin. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết chất vấn, Thủ tướng có xác định thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ liên quan và Chính phủ đã nghiêm túc kiểm điểm. Các thành viên Chính phủ đã lần lượt giải trình và trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng đều không chỉ rõ ngoài lãnh đạo Vinashin, những ai chịu trách nhiệm cụ thể về việc đổ vỡ của Vinashin?

Thủ tướng trả lời, việc cố ý làm trái của những người lãnh đạo tại tập đoàn, cơ quan chức năng xử lý theo đúng pháp luật, còn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trong quản lý. Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó. Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận kiểm điểm như thế nào, trách nhiệm cụ thể như thế nào sẽ được công khai.

Còn về trách nhiệm của Thủ tướng là người được giao tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu. Đúng là luật có giao Chính phủ và Thủ tướng là người đứng đầu, quy định tổ chức để thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.

Chính phủ đã ban hành một số nghị định để cụ thể hóa việc tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước đối với các Tập đoàn kinh tế, đối với các Tổng công ty nhà nước. Điểm mới là tổ chức thực hiện không có bộ chủ quản như trước và đã phân công, làm rõ Hội đồng quản trị là cơ quan, tổ chức đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết, từ năm 2006, Chính phủ đã ban hành 7 nghị quyết, 69 nghị định, 27 quyết định, 13 chỉ thị và nhiều văn bản điều hành liên quan đến quản lý, đối với doanh nghiệp Nhà nước. Nhưng cũng nghiêm túc nhìn nhận là thể chế, cơ chế quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với đầu tư, đối với sử dụng vốn, đối với thanh tra, đối với giám sát, kiểm tra, còn nhiều bất cập, lúng túng, có những kẽ hở.

Thủ tướng cho biết, năm 1996, khi lập Tổng công ty tàu thủy Việt Nam khi đó Thủ tướng Chính phủ quyết định ông Phạm Thanh Bình làm Tổng giám đốc Tổng công ty tàu thủy Việt Nam. Từ năm 1996 đến năm 1999, ông Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty tàu thủy Vinashin. Đến khi hình thành tập đoàn Vinashin, với cương vị là Phó Thủ tướng, tôi đã yêu cầu các cơ quan chức năng và Tập đoàn phải tìm Tổng giám đốc nhưng Tập đoàn đưa ra lý do sẽ triển khai mô hình thuê Tổng giám đốc và tiếp tục bổ nhiệm ông Bình vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc cho đến khi tìm được Tổng giám đốc mới.

Không để xảy ra tình trạng tương tự như Vinashin

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công đề án tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin, không để xảy ra tình trạng tương tự như Vinashin.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Loan liên quan đến Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Thủ tướng cho biết, theo Báo cáo của Bộ Tài chính và các bộ chức năng là đang hoạt động có hiệu quả. Đương nhiên, các cơ quan chức năng, Hội đồng quản trị cũng đang rà soát, điều chỉnh lại sau khi có sự việc của Vinashin. Việc 50% để lại cho dầu khí, Chính phủ làm đúng theo chủ trương của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta đang thí điểm một số tập đoàn kinh tế thực hiện kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có ngành kinh doanh chính. Thí điểm thì cũng có thể thành công, cũng có thể không thành công. 8 tập đoàn kinh tế và nhiều tổng công ty đã thực hiện theo mô hình này hầu hết là thành công. Đương nhiên trong mô hình này có cái cần phải điều chỉnh cho thích úng với tình hình mới.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) về chất lượng quy hoạch và quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia, Thủ tướng cho biết quy hoạch kinh tế-xã hội nói chung và quy hoạch chuyên ngành có một bước tiến dài, nhưng cũng còn nhiều bất cập. Hiện Chính phủ mới chỉ đạo xây dựng quy hoạch nguồn nhân lực cho từng ngành, từng lĩnh vực, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ.

Đại biểu Đinh Mươk (Quảng Nam) đặt vấn đề, vì sao có tình trạng đầu tư kinh phí nhỏ giọt khi thực hiện các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo? Vì sao việc phân bổ vốn của các Bộ, ngành Trung ương thường thấp hơn rất nhiều với mức phê duyệt của Chính phủ?

Về vấn đề này, Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước trong đó có Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Đúng là có dự án bố trí vốn ít, việc này các đại biểu, đồng bào cũng chia sẻ với Chính phủ. Gốc của vấn đề là ngân sách của đất nước còn hạn hẹp, Chính phủ sẽ hết sức cố gắng bằng nguồn này, nguồn khác để thực hiện đạt được mục tiêu đề ra.

Đại biểu Vũ Hoàng Hà (Bình Định) hỏi, tình hình kinh tế-xã hội trong những tháng cuối năm diễn biến bất lợi, Thủ tướng có những giải pháp cấp bách nào và có những cú hích nào, chỉ còn 1 tháng nữa để chúng ta thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu mà Quốc hội đã nêu ra?

Thủ tướng nói: "Khủng hoảng tài chính suy thoái toàn cầu vừa qua đã tác động nặng nề đến nền kinh tế của nước ta, ngoài những mặt được, tôi đã nêu 6 điểm còn yếu kém của nền kinh tế, trong quản lý, điều hành của Chính phủ. Tôi cũng được đi tham dự nhiều cuộc hội nghị khu vực và quốc tế. Tôi xin nói chân thành là bạn bè trong khu vực và quốc tế đều đánh giá cao sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Đương nhiên, không được chủ quan mà luôn luôn thấy rằng còn những khiếm khuyết, những hạn chế, yếu kém thuộc về trách nhiệm, về năng lực quản lý, điều hành của Chính phủ."

Trả lời câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) liên quan đến phê duyệt quy hoạch Hà Nội, Thủ tướng cho biết, quy hoạch Hà Nội được xây dựng để phù hợp với điều kiện thủ đô Hà Nội mở rộng. Chính phủ cũng đã lập Ban chỉ đạo để cùng với Hà Nội xây dựng quy hoạch này. Chúng ta cũng đã cố gắng làm theo đúng các trình tự quy định của pháp luật, tạo mọi điều kiện để lấy ý kiến, tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân, của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng để có một quy hoạch thủ đô Hà Nội của chúng ta xứng tầm.

Người đứng đầu phải tăng cường lãnh đạo quản lý


Hoan nghênh và chia sẻ với phần nhận trách nhiệm về những hạn chế, những yếu kém của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ có liên quan trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với Vinashin, đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) băn khoăn, với tinh thần trách nhiệm của mình là người đứng đầu Chính phủ trong thời gian tới sẽ rút kinh nghiệm gì từ việc Vinashin và sẽ có giải pháp gì để siết chặt kỷ cương quản lý hành chính Nhà nước để lập lại trật tự kỷ cương?

Bày tỏ thái độ đồng tình với Chính phủ, ủng hộ việc tái cơ cấu Vinashin, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đề nghị một giải pháp trước mắt có thể làm ngay được, đó là Thủ tướng với quyền hạn của mình sẽ bắt buộc tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước lớn phải công bố thông tin như là những doanh nghiệp khi niêm yết trên thị trường chứng khoán. đại biểu Trần Du Lịch cũng đề nghị Thủ tướng cho biết chủ trương của Chính phủ về việc phát triển công nghiệp phụ trợ?

Trả lời hai câu hỏi này, Thủ tướng nêu rõ, mỗi người lãnh đạo, mỗi cấp ủy lãnh đạo, điều đầu tiên là làm sao tăng cường lãnh đạo quản lý để cán bộ, công chức của ta có phẩm chất, đạo đức, năng lực chấp hành pháp luật, kỷ cương.

Về trách nhiệm đối với Vinashin, Thủ tướng khẳng định, đúng là thể chế, cơ chế còn chưa đủ cụ thể, chưa đủ chặt chẽ. Nhưng chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Mỗi quốc gia quản lý doanh nghiệp theo kiểu khác, bởi vì có đặc điểm của mỗi nước. Lấy mô hình của ai đó cho mình thì cũng không phù hợp. Chúng ta chỉ có thể tham khảo, rồi từ thực tiễn của mình, tổng kết, hoàn thiện mô hình quản lý, mô hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu đối với tập đoàn kinh tế, đối với doanh nghiệp nhà nước.

Thủ tướng cũng cho rằng, Nghị định về công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp phụ trợ để công nghiệp hóa-hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế là một chủ trương rất quyết tâm của đất nước ta, của Chính phủ, việc phát triển này hết sức cần thiết. Thủ tướng đã giao cho Bộ Công nghiệp chủ trì soạn thảo Nghị định này.

Phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp

Phát biểu kết thúc gần 3 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phiên chất vấn đã thành công tốt đẹp, đạt chất lượng tốt.

Chủ tịch Quốc hội nêu lên một số cải tiến đã góp phần nâng cao chất lượng của  phiên chất vấn lần này, đó là các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội được gửi sớm giúp ban thư ký tổng hợp, kịp thời gửi văn bản tới các thành viên Chính phủ được trả lời. Việc này giúp các đại biểu có câu hỏi thích đáng và người trả lời có thời gian nghiên cứu. Đây là việc làm cần tiếp tục duy trì thực hiện trong thời gian tới- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các nhóm vấn đề chất vấn lần này được thể hiện tập trung, là những vấn đề bức xúc được nhân dân quan tâm. Các thành viên Chính phủ, trong đó có Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã trả lời kỹ, sâu và có lý lẽ thuyết phục.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định, cái được lớn nhất, có tác dụng nhất qua kỳ chất vấn vừa rồi là tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề, nhất là những vấn đề lớn, quan trọng, nổi cộm, bức xúc trong đời sống xã hôi; có phân tích nguyên nhân giải pháp và yêu cầu làm rõ trách nhiệm. Qua đó, các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm sẽ thấy rõ hơn tình hình, thấy được những mong muốn, kiến nghị của cử tri và xác định trách nhiệm của mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị sau kỳ họp này, các vị thành viên Chính phủ cần triển khai nghiêm túc, có hiệu quả những nội dung trong Chương trình, kế hoạch, Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tăng cường giám sát việc thực hiện các giải pháp, các lời hứa của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, qua đó để phát huy kết quả chất vấn tại hội trường. Các bộ phận chức năng sẽ tổng hợp và gửi tới các vị đại biểu Quốc hội toàn bộ nội dung phiên chất vấn để đại biểu để theo dõi.

Về việc đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị Quốc hội ngay tại kỳ họp này thành lập Ủy ban lâm thời để điều tra về trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ việc Vinashin, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho các cơ quan chức năng xem xét và đã trả lời bằng văn bản đến đại biểu Nguyễn Minh Thuyết theo đúng quy định của pháp luật.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng, hiện nay vụ việc đang được xem xét, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm đang hết sức khẩn trương triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, để “cứu” Vinashin. Các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra đang làm. Muốn xác định được trách nhiệm xử lý thì phải có thanh tra, kiểm toán, điều tra. Chính vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chưa cần thiết phải lập Ủy ban lâm thời theo đề nghị của đại biểu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục