“Không hành động từ bây giờ, động vật hoang dã sẽ bị tuyệt chủng”

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ngài Stephen Lysaght-Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam cho rằng, cứ theo xu hướng hiện nay, một số loài động vật hoang dã có thể sẽ bị tuyệt chủng trong tương lai gần.
“Không hành động từ bây giờ, động vật hoang dã sẽ bị tuyệt chủng” ảnh 1Nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Trong vòng 4 thập kỷ qua, thế giới đã mất đi hơn 50% các loài đa dạng sinh học trên Trái Đất. Một trong những nguyên nhân lớn nhất của sự mất mát này là do nạn buôn bán bất hợp pháp xuyên quốc gia, kéo theo sự gia tăng của nạn săn trộm, giết hại các loài mang tính biểu tượng như tê giác, voi và hổ...

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus về vấn nạn trên, ngài Stephen Lysaght, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, cho rằng cứ theo xu hướng hiện nay, một số loài động vật hoang dã có thể sẽ bị tuyệt chủng trong tương lai gần. Vì thế, các quốc gia cần phải cùng nhau hành động và nhanh chóng tham gia vào sứ mệnh bảo vệ sự sống của các loài “sách đỏ” trên trái đất này.

- Thưa ngài phó đại sứ, tại sao nạn buôn bán động vật hoang dã đang trở thành vấn đề quan trọng cần giải quyết đối với các quốc gia trên thế giới nói chung và chính phủ Anh hiện nay?


Phó Đại sứ Stephen Lysaght:
Cứ theo xu hướng hiện nay, chúng ta có thể sẽ mất động vật hoang dã trên thế giới. Ngay như Việt Nam, cá thể tê giác sống ngoài tự nhiên đã bị biến mất từ năm 2010. Vì vậy, nếu chúng ta không hành động từ bây giờ, sẽ là quá muộn trong tương lai.

Hiện nay, bảo vệ động vật hoang dã là vấn đề của toàn cầu, không chỉ của riêng của nước Anh hay Việt Nam. Do đó đòi hỏi nhiều nỗ lực cùng nhau để ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển trái phép các sẩn phẩm phi pháp từ động vật hoang dã.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng hạn chế nhu cầu và không sử dụng sản phẩm làm từ động vật hoang dã.

- Hiện nay, chính phủ Anh đã có một định hướng rõ ràng để đối phó với tội phạm có liên quan tới động vật hoang dã, vậy điều này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam, quốc gia được coi nơi trung chuyển của các hoạt động buôn bán động vật hoang dã?

Phó Đại sứ Stephen Lysaght: Việt Nam là một quốc gia chuyển tiếp. Nhiều nhóm buôn lậu chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển vào các thị trường khác như Trung Quốc. Và, Việt Nam cũng là nước có nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã.

Một số người dân Việt Nam tin rằng sản phẩm từ động vật hoang dã có lợi cho sức khỏe. Điều này là không đúng, nhưng nhiều người vẫn tin. Vì thế, chúng tôi muốn hợp tác với Việt Nam để ngăn chặn tình trạng các nhóm buôn lậu sử dụng lãnh thổ Việt Nam để vận chuyển động vật hoang dã tới các nước khác.

“Không hành động từ bây giờ, động vật hoang dã sẽ bị tuyệt chủng” ảnh 2Ngài Stephen Lysaght, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam trao đổi với phóng viên VietnamPlus. (Ảnh: P.V/Vietnam+)

- Để giảm nhu cầu đối với các hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, Chính phủ Anh sẽ làm gì để có thể “đồng hành” cùng Việt Nam chống lại các hoạt động phạm tội liên quan đến mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã?

Phó Đại sứ Stephen Lysaght: Chúng tôi thực hiện 3 cách chính. Thứ nhất là tổ chức sự kiện và mời các chuyên gia, quan chức chính phủ, thành viên các nhóm NGO về bảo vệ động vật hoang dã để thảo luận tình hình và đề xuất giải pháp; hợp tác với Bộ Công an Việt Nam để ngăn chặn các nhóm buôn lậu động vật hoang dã, cũng như nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã cho người dân.

Thứ hai, chúng tôi hợp tác với Việt Nam trên tầm mức quốc tế. Vừa qua, Việt Nam cũng đã tổ chức một hội nghị tại Hà Nội vào tháng 11/2016 và hội nghị tiếp theo sẽ diễn ra tại London vào năm 2018. Chúng tôi muốn cùng tất cả các quốc gia tham gia hội nghị này thành lập một liên minh cùng nhau giải quyết vấn đề này.

Cuối cùng, chúng tôi muốn cùng Việt Nam chia sẻ thông tin tình báo về các nhóm buôn bán động vật hoang dã. Một khi lực lượng biên phòng và cảnh sát chia sẻ các thông tin này chúng ta có thể ngăn chặn các nhóm buôn lậu này. Chúng tôi hy vọng cùng với Chính phủ Việt Nam, nhất là Bộ Công an Việt Nam, loại bỏ các tổ chức tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

- Thông qua hội nghị quốc tế tại Hà Nội về buôn bán các loài động thực vật hoang dã được bảo vệ diễn ra mới đây, ngài phó đại sứ có kiến nghị, hay sáng kiến gì để kêu gọi các quốc gia cùng “chung tay” bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như các loài động vật hoang dã quý hiếm?

Phó Đại sứ Stephen Lysaght: Chúng ta phải cùng nhau hành động và nhanh chóng hành động. Các đại diện từ nước Mỹ; Liên minh châu Âu và các nước thành viên của Liên minh châu Âu; Nam Phi và các nước khác đã phối hợp cùng Việt Nam vì mục đích bảo vệ động vật hoang dã.

Thời gian không chờ đợi chúng ta nên tất cả chúng ta cần phải hợp tác hơn nữa. Càng có nhiều người tham gia vào sứ mệnh bảo vệ động vật hoang dã thì sự thành công càng lớn. Buôn lậu động vật hoang dã không còn là vấn đề của một quốc gia, không chỉ của châu Âu, không chỉ của Việt Nam. Việt Nam là một phần trong liên minh toàn cầu bảo vệ động vật hoang. Vì thế, tất cả các nước phải cùng nhau tạo ra một chiến dịch ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã.

- Ngày 8/2 vừa qua, Chính phủ Nam Phi đã đưa ra dự thảo luật đề nghị cho phép buôn bán sừng tê giác, các sản phẩm từ sừng tê giác trong nội địa quốc gia này, và có thể được xuất khẩu với “mục đích sử dụng cá nhân.” Ngài phó đại sứ có chia sẻ gì về đề xuất này?

Phó Đại sứ Stephen Lysaght: Liên quan đến đề xuất này của Chính phủ Nam Phi, hiện có rất nhiều quan điểm khác nhau. Nhiều người cho rằng nếu hợp pháp hóa việc buôn bán ngà voi hay sừng tê giác thì nhất thiết phải có các quy định pháp lý chặt chẽ./.

Xin cảm ơn ngài phó đại sứ!

Phó Đại sứ Anh kêu gọi "hành động" bảo vệ động vật hoang dã
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục