Đặc biệt, các đại biểu bày tỏ một số bất hợp lý trong Dự thảo Luật này về những tiêu chí, điều kiện danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn và để giá bán lẻ điện cho doanh nghiệp quyết định.
Làm rõ cơ chế quỹ bình ổn giá
Nhiều đại biểu cho rằng, về “Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá,” phạm vi hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định trong Danh mục là quá rộng, dẫn đến nhiều hàng hóa, dịch vụ thuộc diện phải bình ổn giá, ảnh hưởng đến quy luật cung cầu. Để phù hợp với điều kiện thị trường trong tình hình mới, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã loại bỏ khỏi Danh mục một số mặt hàng như sắt, thép, ximăng; thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi; dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng...
Liên quan đến tính công bằng trong bình ổn giá, nhiều ý kiến cho rằng cơ bản chỉ áp dụng bình ổn giá ở một số thành phố lớn, tại siêu thị, cửa hàng lớn, những nơi người nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên không thể tiếp cận. Do đó, các đại biểu đề nghị, ngoài việc thể chế hóa bằng các quy định của luật, phải chú trọng tính đồng bộ và điều kiện bảo đảm trong tổ chức thực hiện.
Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, nghiên cứu tổ chức theo hướng đa dạng, hợp lý về hình thức, tạo các kênh phân phối phù hợp với điều kiện thực tế để chủ trương, chính sách đến được với người nghèo, những người thực sự cần hỗ trợ.
Việc lập quỹ bình ổn giá là cần thiết, song nhiều đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn trong Luật về tính chất, việc thành lập, nguồn hình thành, cơ chế quản lý quỹ và như thế nào là "hỗ trợ cho bình ổn giá trong trường hợp cần thiết? Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) và đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, dự thảo Luật dự kiến sẽ có 10 mặt hàng thuộc diện bình ổn giá tương đương sẽ có khoảng 10 quỹ bình ổn giá.
Các đại biểu này đề nghị, cần cân nhắc kỹ bởi vì trích lập từ giá bán hàng hóa, đây cũng là một khoản tiền, khoản phí đánh vào túi tiền của người tiêu dùng. Đến nay vẫn chưa có một đánh giá chính thức nào về việc hiệu quả của bình ổn giá xăng dầu mặc dù còn rất nhiều luồng ý kiến khác nhau.
Nhà nước cần định giá bán lẻ điện
Xung quanh vấn đề giá điện, dự thảo Luật cho rằng vấn đề giá điện dự kiến sẽ được quy định như Chính phủ đề nghị. Nhà nước sẽ chỉ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu đang thuộc độc quyền nhà nước. Trước mắt, Nhà nước sẽ vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện nhưng về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình. Đối với các khâu như phát điện, bán buôn điện về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình, phù hợp với cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng để kiểm soát được giá điện, góp phần ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh, Nhà nước nên định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện; giá bán buôn điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu độc quyền nhà nước. Tại thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện. Như vậy, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp song Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện.
Về giá bán lẻ điện, Nhà nước cũng sẽ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường. Điều này đồng nghĩa, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ định giá cụ thể giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương kiểm soát trong khung giá của Chính phủ.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), hiện nay Bộ Công Thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho EVN, vừa là cơ quan có chức năng kiểm soát giá, lại vừa là cơ quan hoạch định các chính sách. Điều này rất dễ có khả năng dẫn tới các xung đột về lợi ích, thiếu khách quan, khó thực hiện chức năng kiểm soát với một thị trường điện chưa thực sự có tính cạnh tranh như hiện tại. Vì vậy, nếu giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể sẽ có khả năng gây thiệt hại cho người sử dụng, nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập.
Hiện nay, chức năng kiểm soát về giá được giao cho Cục Điều tiết Điện lực, nhưng Cục này lại trực thuộc Bộ Công Thương thì chức năng độc lập giám sát và bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan, đặc biệt là người tiêu dùng chưa được thể hiện rõ.
Bổ sung quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) cho rằng, trong điều kiện ngành điện còn do EVN độc quyền hoàn toàn, Nhà nước phải định giá cụ thể đối với giá bán lẻ điện, không để doanh nghiệp tự định giá. Đồng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) đề nghị, cần xem xét kỹ thêm các quy định về các loại giá điện như giá truyền tải điện, giá dịch vụ, phụ trợ hệ thống điện.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vấn đề định giá điện sắp tới Quốc hội sẽ bàn về Dự thảo Luật Điện lực, về nguyên tắc đa số thống nhất là giá điện Nhà nước phải quản lý và phải tham gia định giá vì đây là một mặt hàng độc quyền của Nhà nước ở một số khâu. Tuy nhiên đề nghị phương pháp tính như thế nào, định giá như thế nào, nhất là khung giá bán lẻ điện bình quân phải cho phù hợp và có tính khả thi./.