Chiều 11/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường,thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật phí, lệ phí.
Để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, qua thảo luận nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc dự án Luật đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật và thực hiện theo cơ chế giá.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và một số ý kiến khác tán thành với v iệc đưa các dịch vụ do các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước cung cấp ra khỏi phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Theo đó, quy định này sẽ có tác dụng rất lớn trong việc đẩy nhanh việc thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mà khối tư nhân có thể tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ.
Nhà nước sẽ rút dần các hoạt động đầu tư, cung cấp dịch vụ ở các lĩnh vực mà tư nhân có thể tham gia và chỉ cung cấp các dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tác động lớn đến an sinh xã hội mà khu vực tư nhân không có khả năng tham gia.
Bên cạnh đó, để tránh tác động lớn đến đời sống của người dân và xã hội, Nhà nước sẽ quản lý đối với các dịch vụ do tư nhân cung cấp theo quy định của Luật Giá và làm rõ hơn giữa giá dịch vụ trong cơ chế thị trường với phí, lệ phí do Nhà nước cung cấp.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, những khoản thu dịch vụ do các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện bản chất là giá dịch vụ nhưng lâu nay trong đời sống xã hội luôn quen gọi là phí, vì vậy cần phải mạnh dạn chuyển sang cơ chế giá như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ đào tạo...
Đại biểu khẳng định, có như vậy mới có thể thúc đẩy việc thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hoá những lĩnh vực mà khu vực ngoài nhà nước có thể tham gia mang lại chất lượng cao cho xã hội.
Danh mục phí, lệ phí là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội góp ý tại phiên thảo luận chiều nay. N hiều ý kiến đề nghị quy định ngay trong dự luật danh mục chi tiết phí, lệ phí, bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Trên cơ sở đề nghị Quốc hội cho phép quy định Danh mục phí và lệ phí chi tiết, cụ thể hơn ngay trong Luật, giải trình, làm rõ hơn về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu: mỗi khoản phí, lệ phí có tính chất, nội dung kinh tế khá rộng, có nhiều dòng thể hiện cách tính và mức thu rất khác nhau, dự thảo luật nếu quy định quá chi tiết sẽ không khả thi.
Vì vậy, dự thảo luật quy định tối đa các chỉ tiêu hợp lý, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể để bảo đảm tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, song phải đảm bảo không phát sinh tăng thêm khoản phí, lệ phí trong Danh mục đã quy định trong Luật.
Theo đại biểu Danh Út (Kiên Giang) quy định này đảm bảo cụ thể hóa các quy định tại Hiến pháp 2013, bảo đảm quyền và nghĩa vụ công dân, đồng thời khắc phục việc ban hành tràn lan các loại phí và lệ phí như hiện nay.
Cũng tán thành với quy định này trong dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và một số ý kiến đại biểu đề nghị cùng với việc quy định chi tiết ngay trong dự luật Danh mục chi tiết phí, lệ phí, cần phải có quy định cụ thể để đảm bảo sự tham gia giám sát trong quá trình thực hiện của các tổ chức đoàn thể, xã hội, đảm bảo quyền lợi của người dân không bị ảnh hưởng.
Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, qua rà soát Danh mục phí, lệ phí cho thấy trong phần A (Danh mục phí) có rất nhiều khoản phí thẩm định cấp giấy phép, phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh, phí thẩm định điều kiện, tiêu chuẩn hành nghề đồng thời, tại phần B (Danh mục lệ phí) cũng có rất nhiều khoản lệ phí.
Đại biểu nêu: có thể hiểu rằng bên cạnh các khoản thu lệ phí cấp loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, thẻ nghề,… còn có khoản thu phí về thẩm định, kiểm tra để phục vụ cho việc cấp giấy trên. Tuy nhiên, do có sự khác nhau giữa danh mục phí với danh mục lệ phí về tiêu chí và cách sắp xếp theo lĩnh vực, nên rất khó kiểm tra, kiểm soát.
Đại biểu đề nghị tiếp tục xem xét, rà soát lại các khoản phí, lệ phí trong Danh mục và cần có chú giải quy định trong các văn bản Luật chuyên ngành để đại biểu và người dân giám sát tuân thủ pháp luật chuyên ngành và pháp luật về phí, lệ phí đồng thời, để đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn phát sinh, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với việc Quốc hội ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh Danh mục phí, lệ phí khi Chính phủ trình. Các nội dung này được thể hiện tại Điều 4, Điều 17 và khoản 2 Điều 18 của Dự thảo luật.
Theo dự kiến chương trình, sáng mai (12/11), Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; nghe Tờ trình về dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trưng cầu ý dân./.