Việc các địa phương được quy định chi tiết các khoản thu khiến danh mục phí, lệ phí cụ thể có thể lên tới hàng nghìn. Đây là vấn đề đang được dự thảo Luật phí, lệ phí tính tới và sẽ có rà soát cụ thể ngay trong năm nay.
Nói chi tiết hơn trong hội thảo "Một số vấn đề trong dự thảo Luật phí và lệ phí" sáng 10/9, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Xuân Trường (Học viện Tài chính) cho biết, hiện danh mục ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí chỉ quy định 73 loại phí và 42 loại lệ phí.
Tuy nhiên, danh mục này được Chính phủ quy định chi tiết thành 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí. Như vậy, tổng các khoản phí, lệ phí chỉ riêng Chính phủ ban hành đã lên tới hơn 300 khoản.
Tới các địa phương, Hội đồng nhân dân các tỉnh sẽ tiếp tục quy định chi tiết hơn những khoản thu tại từng địa bàn. Điều này theo ông Trường khiến các khoản phí, lệ phí thực tế có thể lên tới hàng nghìn.
Chính ông Trường cũng đặt ra câu hỏi: "Tại sau các khoản thu lại được đặt ra dễ như thế." Theo ông, một phần nguyên nhân xuất phát từ việc đa số người dân chưa hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
"Các khoản phí, lệ phí phải được Hội đồng Nhân dân thông qua nhưng thực tế khi nộp tiền, không mấy người người dân hỏi các khoản đó đã được thông qua tại quyết định nào. Điều dẫn tới lạm thu," ông Lê Xuân Trường nói.
Góp ý thêm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Vũ Sỹ Cường cho hay, hiện cơ quan chức năng đang rà soát lại hàng nghìn khoản thu này và yêu cầu các địa phương báo cáo chi tiết để "ngăn chặn" ngay trong luật. Cụ thể, luật phí, lệ phí sẽ liệt kê chi tiết danh mục các khoản thu chứ không chỉ một số khoản "khung" như hiện tại.
"Chính Bộ Tài chính cũng không biết các địa phương có các khoản thu gì. Bởi vậy, bộ đang yêu cầu các nơi thống kê chi tiết các khoản. Tôi hy vọng việc rà soát như trên sẽ loại bỏ được các khoản không hợp lý," ông Cường nói.
Ông Cường cũng bổ sung, danh mục sau rà soát càng cụ thể thì sẽ càng công khai, minh bạch. Ông cho rằng, nếu các khoản phí, lệ phí cứ xuất hiện mới liên tục sẽ tác động tới sự hiểu biết cũng như việc chấp hành của người dân.
Ngoài việc minh bạch danh mục phí, lệ phí, ông Lê Xuân Trường, đề xuất đưa học phí sang cơ chế giá dịch vụ như trong dự thảo cần bàn bạc thêm.
Theo ông, học phí bậc đại học chuyển sang cơ chế giá là phù hợp nhưng với cấp phổ thông, việc này hoàn toàn "không ổn."
"Đây là vấn đề liên quan tới an sinh xã hội. Người nghèo có khả năng tiếp cận với dịch vụ hay không," ông Lê Xuân Trường nêu vấn đề.
Qua đó, ông đề xuất nên giữ học phí cấp bậc phổ thông trong danh mục phí, lệ phí và chỉ chuyển sang cơ chế giá với riêng bậc đại học./.