Tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII sẽ cho ý kiến, thông qua nhiều dự án luật quan trọng, trong đó có nhiều luật được xác định là luật khung, là nền tảng cho các luật khác trong hệ thống pháp luật.
Xem xét, thông qua nhiều Bộ luật quan trọng
Tại Kỳ họp thứ 9, dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) được Quốc hội xem xét lần thứ 2 sau khi tổ chức lấy ý kiến nhân dân đóng góp vào 10 vấn đề lớn của dự thảo.
Qua các lần thảo luận tại hội trường, các ý kiến đại biểu Quốc hội nhấn mạnh tới việc sửa đổi, bổ sung lần này phải thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chủ trương của Đảng đã được xác định tại Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Chiến lược cải cách tư pháp; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc sửa đổi Bộ luật dân sự cũng cần phải bảo đảm tính kế thừa của Bộ luật dân sự hiện hành, nhất là những nội dung qua thực tiễn thi hành không có vướng mắc, bất cập; các nội dung sửa đổi, bổ sung cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng cả về lý luận và thực tiễn để bảo đảm phù hợp, tương thích với hệ thống pháp luật và thực tiễn các quan hệ dân sự ngày càng phát triển trong xã hội ở nước ta hiện nay và tương lai.
Ban soạn thảo dự kiến tiếp thu, giải trình về một số vấn đề lớn trước khi Quốc hội biểu quyết, thông qua Bộ luật: trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bảo vệ quyền dân sự (các điều 5, 6 và 14); quyền nhân thân của cá nhân (từ điều 25 đến điều 3; pháp nhân (chương IV); hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức (điều 130); thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác theo hợp đồng; hình thức sở hữu; các loại biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; thời hiệu thừa kế…
Dự án Bộ luật dân sự được xây dựng đã thể chế hóa đầy đủ, đồng thời tăng cường các biện pháp để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực của đời sống dân sự, cũng như những tư tưởng, nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các chủ thể thuộc mọi hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Bộ luật hình sự (sửa đổi) cũng sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua. Việc sửa đổi nhằm xây dựng Bộ luật hình sự có tính minh bạch, tính khả thi và tính dự báo cao hơn. Từ đó phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng…
Một số nội dung về: trách nhiệm hình sự của pháp nhân; hình phạt trục xuất; việc bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành án; hạn chế hình phạt tử hình... là những vấn đề lớn, vẫn còn ý kiến khác nhau, sẽ được các đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến trước khi biểu quyết thông qua.
Dự thảo Bộ luật lần này hướng tới việc đổi mới nhận thức về chính sách hình sự mà trọng tâm là đổi mới quan niệm về tội phạm và hình phạt, về cơ sở của trách nhiệm hình sự, về chính sách xử lý đối với một số loại tội phạm và loại chủ thể phạm tội, đảm bảo các quy định của Bộ luật hình sự không chỉ là công cụ pháp lý để các cơ quan chức năng đấu tranh, trấn áp tội phạm mà còn là cơ sở pháp lý để bảo vệ sự phát triển lành mạnh các quan hệ kinh tế - xã hội; để mọi người dân tự bảo vệ mình, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội; khuyến khích mọi người dân chủ động tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Ngoài hai Bộ luật quan trọng trên, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Bộ luật hàng hải Việt Nam (sửa đổi).
Nhiều luật tác động trực tiếp tới người dân sẽ được thông qua
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua một số dự án luật quan trọng khác, có liên quan trực tiếp tới đời sống nhân dân. Đó là dự thảo Luật an toàn thông tin với mục đích đáp ứng yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách trong hoạt động an toàn thông tin, tạo môi trường thuận lợi và an toàn cho các thành phần kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông theo hướng chủ động hội nhập quốc tế; đồng thời, tạo môi trường an toàn và tin cậy cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư, thương mại tại Việt Nam.
Dự thảo Luật phí và lệ phí được xây dựng nhằm tập trung phản ánh kịp thời, đầy đủ nguồn thu từ phí, lệ phí; từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với quá trình đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ công, phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc ra đời của Luật phí và lệ phí đảm bảo chính sách phí, lệ phí công khai, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính.
Dự thảo Luật trưng cầu ý dân thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết và đồng thuận xã hội, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua các cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Cho ý kiến các dự án Luật liên quan đến bảo đảm quyền con người
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến các dự án luật liên quan đến bảo đảm quyền con người, quyền công dân nhằm triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Một trong số đó là việc xây dựng và ban hành Luật tiếp cận thông tin. Dự Luật được xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin với tư cách là quyền cơ bản của công dân có ý nghĩa làm tiền đề, điều kiện cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân mà Hiến pháp năm 2013 đã quy định, như quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền bầu cử, ứng cử, quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, quyền khiếu nại, quyền tố cáo, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí…
Dự thảo Luật tiếp cận thông tin quy định về quyền tiếp cận thông tin của công dân; nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và quyền, nghĩa vụ của công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Dự thảo Luật không điều chỉnh việc cung cấp thông tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức trong hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mình. Việc tiếp cận các thông tin thuộc bí mật nhà nước, thông tin thuộc bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, thông tin về sở hữu trí tuệ; thông tin trong các tài liệu, hồ sơ đã được chuyển sang cơ quan lưu trữ lịch sử; thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm toán; thông tin trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử được thực hiện theo quy định của pháp luật liên quan.
Cũng liên quan tới vấn đề quyền con người, Quốc hội sẽ xem xét lần đầu dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo để đảm bảo hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước nhằm tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; hạn chế sự can thiệp hành chính của Nhà nước vào các công việc nội bộ của tổ chức tôn giáo; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, cải cách hành chính đối với lĩnh vực này./.