Khu thu dung F0 không triệu chứng sẽ giảm áp lực điều trị tầng trên

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết nếu làm tốt mô hình các khu thu dung, thậm chí đến cấp phường, xã như TP.HCM, sẽ giảm tải cho các bệnh viện ở tầng trên, giảm tỷ lệ tăng ca tăng nặng và ca tử vong.
Khu thu dung F0 không triệu chứng sẽ giảm áp lực điều trị tầng trên ảnh 1Bên trong Khu Điều trị Bệnh nhân COVID-19 Thới Hòa. (Ảnh: TTXVN phát)

Qua theo dõi, đánh giá tình hình dịch COVID-19 trên cả nước, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương khu vực phía Nam - đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ Thông tin đáp ứng nhanh Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã có cuộc trao đổi với báo chí về đề xuất thiết kế và thành lập các khu tiếp nhận, chăm sóc (khu thu dung) các ca F0 không có triệu chứng như khu điều dưỡng để giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị COVID-19 tầng trên.

Cùng với các hướng dẫn của Bộ Y tế về điều kiện khám chữa bệnh, chuyển cấp cứu, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các khu tiếp nhận và điều trị các ca F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên được tổ chức theo hướng thành lập "khu cách ly F0" để không lây nhiễm ra cộng đồng.

Các lực lượng sẽ triển khai quản lý, chăm sóc về tinh thần và thể chất khoa học, phù hợp nhằm giảm tối đa số ca chuyển nặng, tử vong; từ đó, giảm áp lực cho các tuyến điều trị bên trên.

Các khu thu dung này sẽ có khu vực riêng để xử lý tình huống ca F0 chuyển nặng, sẵn sàng các phương tiện, nhân lực y tế để vận chuyển lên tuyến trên, tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Qua tổng hợp thông tin, số liệu, cũng như khảo sát, làm việc trực tiếp với các địa phương, Tổ Thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia khuyến nghị, các địa phương nên lựa chọn địa điểm rộng rãi, thoáng mát, có sân bãi để tập thể dục, hít thở khí trời để làm khu thu dung; giúp F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ giảm bớt áp lực nặng nề của khu điều trị trong các bệnh viện.

Khác với các khu cách ly tập trung (các trường hợp F1 phải cách ly nghiêm ngặt với nhau), tại đây, các F0 được quản lý chặt để không tiếp xúc, hạn chế tối đa lây lan ra cộng đồng; đồng thời được tổ chức các hoạt động thể dục, văn hóa tập thể, được chăm sóc đầy đủ về tinh thần và thể chất, nhằm nâng cao sức khỏe.

Các F0 có thể đứng ra tổ chức, triển khai một số hoạt động hậu cần, giúp đỡ lẫn nhau nhằm giảm tải cho các nhân viên y tế.

[TP.HCM: Chuyển chiến lược từ xét nghiệm sang tập trung điều trị]

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập 194 khu cách ly F0 không triệu chứng tại các quận, huyện trên địa bàn toàn Thành phố, với 37.127 giường, đặt tại các khu ký túc xá trường học, khu chung cư mới chưa đưa vào sử dụng, khách sạn, nhà nghỉ, trường học... trên địa bàn.

Tại mỗi khu cách ly, trung bình, 1 bác sỹ và 2 điều dưỡng chăm sóc theo dõi cho 100 ca F0. Điển hình, qua việc triển khai các khu thu dung, cách ly F0 tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ F0 không triệu chứng chuyển sang có triệu chứng chỉ chiếm khoảng 3%.

“Cách này có thể khác với cách đã được triển khai từ trước đến nay - các khu tiếp nhận F0 không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ được thiết kế theo mô hình bệnh viện dã chiến với các giường san sát nhau, không có khoảng không gian ngoài trời. Nếu làm tốt mô hình các khu thu dung, thậm chí đến cấp phường, xã như Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, sẽ giảm tải được cho các bệnh viện ở tầng trên, giảm tỷ lệ tăng ca tăng nặng và số ca tử vong do COVID-19,” Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết.

Tổ Thông tin đáp ứng nhanh của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 được thành lập với 6 nhiệm vụ chính: Cập nhật, phân tích và sử dụng thông tin, số liệu giám sát để đánh giá tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và Việt Nam, đưa ra dự báo diễn biến dịch bệnh; thiết lập cơ chế giám sát đối tượng nhập cảnh, cách ly trong quá trình từ khi nhập cảnh đến hết giai đoạn cách ly, theo dõi y tế sau cách ly.

Bên cạnh đó, Tổ Thông tin đáp ứng nhanh có nhiệm vụ xác minh thông tin dịch bệnh bằng phương pháp truy vết thông thường không thực hiện được; tổng hợp các nguồn thông tin để giúp hệ thống y tế xây dựng các kịch bản ứng phó.

Tổ thông tin đáp ứng nhanh xây dựng bản đồ an toàn COVID-19, thường xuyên đánh giá xếp hạng và xác định những điểm nguy cơ nhằm đưa ra cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh ở các cấp độ khác nhau, làm cơ sở để các địa phương phát huy những việc đã triển khai đúng hướng, hoàn thiện nếu làm chưa tốt; hỗ trợ tư vấn trong công tác truy vết, đánh giá tình hình dịch bệnh.

Tổ Thông tin đáp ứng nhanh hiện có hơn 200 người, bao gồm các tình nguyện viên, nhà khoa học cộng đồng y tế dự phòng, nhà toán học, công nghệ thông tin, doanh nghiệp nhỏ, sinh viên…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục