Khủng hoảng khí hậu là 'một dạng bạo lực đối với trẻ em'

Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc cho rằng các quốc gia nên “xóa bỏ rào cản và cho phép trẻ em có quyền tự khởi kiện” về các vấn đề khí hậu.
Khủng hoảng khí hậu là 'một dạng bạo lực đối với trẻ em' ảnh 1Trẻ em làm mát tại đài phun nước ở Colmar, miền Đông Pháp ngày 21/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 28/8, Ủy ban về Quyền Trẻ em của Liên hợp quốc đã cập nhật công ước bảo vệ quyền trẻ em nhằm tăng năng lực của các em trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Trong văn bản hướng dẫn được công bố, ủy ban cho rằng suy thoái môi trường, trong đó có khủng hoảng khí hậu là “một dạng bạo lực có hệ thống đối với trẻ em.”

Các quốc gia nên cung cấp quyền tiếp cận công lý cho nhóm này, thông qua “xóa bỏ rào cản và cho phép trẻ em có quyền tự khởi kiện” về các vấn đề khí hậu.

[Khoảng 460 triệu trẻ em ở Nam Á phải đối mặt nắng nóng khắc nghiệt]

Hướng dẫn đã có sự tham vấn ý kiến của khoảng 16.000 trẻ em từ hơn 100 quốc gia trong giai đoạn hai năm xây dựng dự thảo.

Luật sư người Nam Phi Ann Skelton, Chủ tịch ủy ban trên, cho biết văn bản này sẽ tăng cường sự đóng góp của trẻ em trong cuộc chiến chống biển đổi khí hậu, đồng thời hy vọng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách sẽ áp dụng hướng dẫn.

Văn kiện nhìn chung đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Tuy nhiên, nhà hoạt động khí hậu người Thụy Điển Greta Thunberg đã đề nghị ủy ban “mạnh mẽ và phần nào táo bạo hơn” trong quá trình tham vấn.

Cùng quan điểm, Phó Giám đốc pháp lý liên quan khí hậu toàn cầu tại tổ chức Our Children’s Trust, bà Kelly Matheson đánh giá hướng dẫn chỉ mang đến những thay đổi nhỏ thay vì tạo ra bước đột phá. Hướng dẫn tuân thủ những cam kết của Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu năm 2015, trong đó đặt ra mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C, con số mà bà Matheson cho rằng vẫn quá nguy hiểm đối với trẻ em.

Năm 1989, tất cả quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, ngoại trừ Mỹ, đã phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em, trong đó đề cập đến vấn đề môi trường. Tuy nhiên, công ước vẫn cần được cập nhật trước tốc độ của biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục