Zeeshan khóa chiếc xe đẩy siêu thị của cậu vào một gốc cây như người ta vẫn khóa xe đạp của mình. Chiếc xe là công cụ quan trọng với cậu và những người nhập cư khác vẫn đang lùng sục trên các con phố của Athens để tìm phế liệu. Những phương tiện kỳ lạ này xuất hiện ở thủ đô Hy Lạp cách nay một năm và giờ chúng có mặt ở khắp nơi. Người ta phải có một kỹ năng nhất định mới điều khiển được chiếc xe trên chất đầy hộp thiếc, đồ điện tử, lò xo giường đệm, can dầu, dây điện và máy sưởi hỏng. Sau một ngày lùng sục các thùng rác, những con người này lại phải đi thêm hàng chục cây số nữa để tới trạm cân. Ở đây có nhiều người buôn sắt vụn ở vùng Tavros đang đợi sẵn, chờ những người nhặt rác, phần đông tới từ Bangladesh, đưa hàng về. "Người Hy Lạp hay du mục gốc Albania vốn làm nghề nhặt rác giờ đã ít đi bởi người dân đã giảm việc vứt bỏ đồ đạc trong thời suy thoái, vốn đã bóp nghẹt Hy Lạp mấy năm qua," cô gái tên Anna Darsinou nói. Gia đình cô đã buôn bán phế liệu trong 3 thập kỷ. Công việc này là bằng chứng của sự nghèo khổ, trong đó hàng ngàn người nhập cư trái phép đang sống tại Hy Lạp. Đây là ngưỡng cửa vào Liên minh châu Âu, nhưng cũng là một cái bẫy đối với những người không thể tới các nước châu Âu giàu có hơn. "Ở đây chẳng có việc gì để làm cả," Zeeshan, người tới Hy Lạp từ Pakistna cách đây 1 năm rưỡi trong chuyến đi khiến anh tốn 4.000 USD, cho biết. Chàng trai 26 tuổi nói rằng anh đã học thiết kế máy tính ở quê, nhưng giờ phải dành ra tớ 10 tiếng mỗi ngày đi lục thùng rác để tìm phiếu liệu. Zeeshan nói rằng anh chỉ kiếm được vài chục euro mỗi ngày. Một người thu gom phế liệu khác tên Charles, 22 tuổi, người Cote d'Ivoire nói rằng đây là cách duy nhất để anh có thể kiếm được chút tiền và công việc rất vất vả. Charles đã ở Hy Lạp được 1 tháng, nhưng người đồng hương Mamadou, 32 tuổi, đã tới đây được 6 tháng. Họ ở chung một căn nhà thuê cùng 4-5 người khác với giá 250 euro/tháng. Charles, người từng làm nghề trồng hoa tại dinh tổng thống ở Cote d'Ivoire, nói rằng anh không thể gửi chút tiền nào về cho 2 đứa con ở nhà. Nhưng ít nhất anh và các đồng hương không bị cảnh sát quấy rầy. "Khi cảnh sát thấy anh đẩy xe và đang cố gắng làm việc, họ sẽ ít làm phiền tới anh," Charles nói.
Những người thu nhặt phế liệu ở Athens (Nguồn: AFP)
Vấn đề người nhập cư trái phép, cùng với cuộc khủng hoảng nợ công đã là chủ đề gây tranh cãi lớn trước cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp dự kiến diễn ra vào ngày 6/5. Quan chức Athens Andreas Varelas nói rằng mạng lưới thu gom phế liệu do người nhập cư điều hành đã "phá hỏng trật tự của dây chuyền tái chế truyền thống," vốn đã tụt hậu theo tiêu chuẩn châu Âu. "Các vật liệu được tái chế mà không có quy trình kiểm soát chất lượng nào cả," ông nói, dù thừa nhận người nhập cư chỉ đang cố tìm cách kiếm sống. Trong khi đó, người nhập cư trái phép được khuyên hãy để ý kỹ hơn tới những chiếc xe gom phế liệu của họ. Thành phố đã thu gom 2.000 chiếc xe như thế này kể từ đầu năm nay./.
Linh Vũ (Vietnam+)