Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào điện gió

Để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào điện gió, chính phủ cần có những đột phá về chính sách giá năng lượng và ưu đãi đầu tư.
Việt Nam có tiềm năng điện gió khá dồi dào, lĩnh vực này cũng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. Tuy nhiên, để khai thác được tối đa nguồn tiềm năng này, cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ, nếu giải quyết được vấn đề giá thành sản phẩm hay cơ chế mua bán điện sẽ khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn khi “rót” vốn làm điện gió.

Theo đánh giá của Ủy ban Năng lượng quốc tế (IEA) và Ngân hàng Thế giới (WB) về năng lượng gió khu vực Đông Nam Á, trong khi Việt Nam có tới 8,6% diện tích lãnh thổ được đánh giá có tiềm năng để xây dựng các trạm điện gió cỡ lớn thì con số này ở Campuchia là 0,2%, ở Lào là 2,9% và ở Thái Lan là 0,2%.

Còn theo Bộ Công Thương, Việt Nam có thuận lợi cơ bản để phát triển điện gió, ở đất liền với tổng công suất lên đến 513.000 MW (tức là bằng hơn 200 lần công suất của thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020); ở vùng ven biển và hải đảo lên đến 200.000 MW.

Ngay trong Quy hoạch Điện VII, điện gió cũng là lĩnh vực được ưu tiên phát triển với mục tiêu: “Ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo cho sản xuất điện, tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này lên mức 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030.” Trong đó, đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên 1.000 MW vào năm 2020, khoảng 6.200 MW vào năm 2030.

Mặc dù tiềm năng và quy hoạch là vậy, nhưng do suất đầu tư cao và giá phát điện chưa hợp lý nên đến nay cả nước mới có hơn 20 dự án đang triển khai tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Lâm Đồng…

Là tỉnh đi đầu trong phát triển điện gió, năm 2012, nhà máy điện gió I tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã khánh thành 20 turbin với công suất 30 MW, đánh dấu sự khởi sắc của điện tái tạo.

Ngày 29/5, Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng thương mại du lịch Công Lý (Bạc Liêu) cũng hòa điện lên lưới quốc gia từ 10 tuabin điện gió công suất 16 MW, điện năng sản xuất 56 triệu kWh/năm, đánh dấu việc hoàn thành giai đoạn 1 của dự án.

[16MW điện gió Bạc Liêu đã hòa lưới điện quốc gia]


Gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng vừa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện lực Việt Nam (EVNIC) thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện gió Công Hải gồm 15 tổ máy với công suất 37,5 MW tại địa bàn xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn đầu tư 900 tỷ đồng.<

Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà các đầu tư nước ngoài cũng tìm đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào đầu tư. Mới đây, Công ty Valorem của Pháp đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đồng thời cam kết sẽ tìm nguồn vốn với lãi suất phù hợp để có thể hợp tác với EVN ở bất kỳ dự án điện gió nào…

Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia, nếu sử dụng công nghệ châu Âu, thì suất đầu tư cho điện gió tính theo công suất đã lên tới 2.250 USD/kW, còn nếu sử dụng công nghệ Trung Quốc, thì suất đầu tư cũng là 1.700 USD/kW.

Với suất đầu tư này, giá điện gió bình quân tối thiểu cũng ở mức 10,68 cent/kW với thiết bị châu Âu và Mỹ. Còn với thiết bị Trung Quốc, giá bán điện cũng phải 8,6 cent/kW. Giá bán này cũng được tính tới thời gian hoàn vốn lên tới xấp xỉ 20 năm, thời gian khấu hao thiết bị là 12 năm.

Với suất đầu tư lớn, giá thành sản xuất khá cao, thời gian thu hồi vốn lâu, giá phát điện chưa hợp lý cũng khiến nguồn năng lượng này rất khó cạnh tranh với các nguồn điện khác.

Theo Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng thương mại du lịch Công Lý, nhà máy điện gió sử dụng các thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất trên thế giới với giá nhập khẩu tương đối cao nên giá thành sản xuất lên tới 10-12 cent/kWh. Trong khi đó Chính phủ đã quy định EVN mua điện gió với giá 7,8 cent/kWh (trong đó EVN mua 6,8 cent và 1 cent trích quỹ môi trường) sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của chủ đầu tư.

Do đó, nhà đầu tư này và tỉnh Bạc Liêu đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần xem xét có chính sách trợ giá và nâng mức mua điện lên tương đương 9 cent/kWh.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, dù suất đầu tư cao, nhưng để có lãi, các nhà đầu tư cần chủ động hơn trong việc nội địa hóa các thiết bị.

Chẳng hạn như như trụ đỡ turbin bằng ống bê tông nhà đầu tư có thể tự xây dựng, cánh gió cũng có thể tự chế tạo để giảm giá thành; nhà đầu tư chỉ cần mua tua bin và thiết bị điều khiển điện, đồng thời tự đào tạo công nhân lắp ráp thay cho phải thuê chuyên gia nước ngoài… thì khi ấy giá bán điện 7,8 cent/kWh là nhà đầu tư có thể có lãi.

Ngoài việc nội địa hóa thiết bị sản phẩm, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cũng cho rằng để phát triển nguồn năng lượng từ điện gió Chính phủ cần cho phép dự án điện gió được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành về tín dụng đầu tư của Nhà nước; được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án; thuế suất và chính sách miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện gió áp dụng như đối với dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.

Thêm vào đó, chính phủ phải có những đột phá về chính sách giá năng lượng để khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Với mặt bằng giá năng lượng thấp như hiện nay thì khả năng huy động nguồn vốn rất khó khăn, cũng như không khuyến khích được các nhà đầu tư.

Đó là chưa nói đến việc đơn vị mua điện duy nhất hiện nay vẫn là EVN nên các nhà đầu tư càng khó đàm phán được giá điện hợp lý./.

Văn Xuyên (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục