Kiểm soát tài nguyên, Nga có thể làm suy yếu Liên minh châu Âu?

Khi Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia cuộc cạnh tranh nhằm giành quyền kiểm soát Địa Trung Hải, Nga có thể có cơ hội giành quyền kiểm soát một vùng biển châu Âu quan trọng, làm suy yếu EU trong hoàn cảnh này.
Kiểm soát tài nguyên, Nga có thể làm suy yếu Liên minh châu Âu? ảnh 1Hệ thống đường ống dẫn khí của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 tại Lubmin, Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng express.co.uk, Nga đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm sự kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên trên toàn cầu, chẳng hạn như dầu khí.

Hiện giờ, khi Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia cuộc cạnh tranh nhằm giành quyền kiểm soát Địa Trung Hải, Nga có thể có cơ hội giành quyền kiểm soát một vùng biển châu Âu quan trọng và làm suy yếu Liên minh châu Âu (EU) trong hoàn cảnh này.

Các quốc gia thành viên EU như Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus đã nhất trí một thỏa thuận xây dựng một đường ống dẫn khí với Israel. Điều này sẽ chứng kiến đường ống EastMed kết nối các mỏ khí của Israel với Nam Âu.

Dự án này sẽ được EU tài trợ một phần vì Brussels ủng hộ một dự án góp phần bổ sung 10% nhu cầu khí đốt của họ, và do đó, sẽ giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới, và một nền tảng cho sự kiểm soát của Moskva đối với tài nguyên này là đường ống "Dòng chảy Phương Bắc" kết nối với vùng Đông Bắc của Đức.

Trong bối cảnh EU đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn khí đốt, Tổng thống Nga Putin có thể cố gắng làm suy yếu Brussels bởi Moskva dường như có thể duy trì sự kiểm soát của mình đối với thị trường “béo bở” này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan - một đồng minh của Moskva - đang tìm cách thiết lập một vùng đặc quyền kinh tế từ bờ biển phía Nam Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển phía Đông Bắc Libya.

Tuy nhiên, điều này đã bị các quốc gia khác có quyền lợi trong vùng biển lên án, cụ thể là các đối thủ chính trị như Hy Lạp và Cyprus lên án hành động của Ankara là một sự chiếm đoạt thô bạo các nguồn tài nguyên.

[Năm 2019: Ẩn chứa những bước ngoặt lớn của nước Nga trong tương lai]

Nga đã nổi lên để trở thành là xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới. Ảnh hưởng của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên trong những tháng gần đây, minh chứng rõ nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga. Điều này khiến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải thận trọng trong bối cảnh lo ngại rằng hệ thống này có thể là mối đe dọa đối với máy bay chiến đấu của phương Tây.

Bởi Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên của NATO, do đó, việc đặt vũ khí của Nga trong biên giới nước này đồng nghĩa với việc máy bay chiến đấu F-35 được Mỹ, Anh và các nước khác sử dụng có thể bị Moskva quan sát và nghiên cứu.

Việc ông Erdogan thực hiện cuộc tấn công Syria hồi tháng 10/2019 cũng đã đóng một vai trò rất lớn trong việc đảm bảo sự kiểm soát của Nga ở Trung Đông bởi trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã quyết định rút quân Mỹ khỏi Syria. Syria là một khu vực quan trọng mang tính lịch sử đối với Nga trong nỗ lực thách thức NATO từ thời Liên Xô và Chiến tranh Lạnh.

Liên Xô bắt đầu sử dụng một căn cứ ở thành phố cảng Tartus quan trọng của Syria vào năm 1971, giúp Moskva gia tăng nỗ lực để đẩy lùi các tàu Mỹ ở Địa Trung Hải.

Điều này xuất hiện sau khi “Hạm đội 5” được thành lập hồi năm 1967, ngày nay vẫn còn ở Địa Trung Hải như một biểu tượng cho nỗ lực quân sự của Nga nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông và châu Âu.

Biển Địa Trung Hải đã trở thành một sân chơi quân sự cho Nga trong những năm gần đây. Năm 2013, Tổng thống Putin và lực lượng Hải quân Nga đã thiết lập một “Hạm đội Địa Trung Hải” - một đội tàu và tàu ngầm khổng lồ. Hạm đội đã được củng cố mạnh mẽ trong những năm gần đây ở Đông Địa Trung Hải, tạo ra một sự hiện diện quân sự hữu ích và hùng mạnh trên ngưỡng cửa của cả Trung Đông và Nam Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục