Kiên Giang: Giá trị sản xuất công nghiệp trong quý 3 tăng 15,04%

Tỉnh Kiên Giang duy trì đà tăng trưởng của quý 3 để giá trị sản xuất công nghiệp cả năm 2024 đạt hơn 56.458 tỷ đồng, đạt 103,70% kế hoạch và tăng 11,98% so với năm 2023.

Chế biến sản phẩm cá tra philê xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)
Chế biến sản phẩm cá tra philê xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, trong 3 tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục duy trì sản xuất công nghiệp trên đà tăng trưởng mạnh, đặt mục tiêu giá trị sản xuất hơn 15.654 tỷ đồng.

Tỉnh Kiên Giang phấn đấu cả năm 2024 đạt hơn 56.458 tỷ đồng, đạt 103,70% kế hoạch và tăng 11,98% so với năm 2023.

Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh cho biết tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, phát triển nhanh và mạnh hơn, mở rộng thị trường, đảm bảo theo mục tiêu tăng trưởng quý 4/2024 đã đề ra.

Tỉnh sớm hoàn chỉnh thủ tục về xét chọn chủ đầu tư hạ tầng 2 cụm công nghiệp trên địa bàn là Hà Giang (Hà Tiên) diện tích 50ha, Long Thạnh (Giồng Riềng) diện tích 32ha.

Đồng thời, hành chính sách hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp, tổ chức triển khai phương án phát triển các cụm công nghiệp theo quy hoạch của tỉnh để đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng và thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp.

Mặt khác, tỉnh xử lý vướng mắc về đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành) giai đoạn 1; 3 cụm công nghiệp, gồm: Hàm Ninh (Phú Quốc), Vĩnh Hoà Hưng Nam (Gò Quao) giai đoạn 1, Hà Giang (Hà Tiên) để đảm bảo quỹ đất bố trí cho dự án thứ cấp triển khai đầu tư xây dựng, tạo dư địa tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.

Cùng đó, tỉnh tổ chức khảo sát nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp và đầu tư các cụm công nghiệp, cụm nhà máy chế biến, gắn với vùng nguyên liệu, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Những tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh có xu hướng tích cực; trong đó, một số nhóm ngành chủ lực tiếp tục tăng trưởng nhờ số lượng đơn hàng mới tăng mạnh trở lại, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp quý 3 và 9 tháng đầu năm, duy trì đà tăng trưởng mạnh.

Giá trị sản xuất công nghiệp quý 3/2024 ước hơn 15.344 tỷ đồng, tăng 15,04% so với cùng kỳ; lũy kế 9 tháng ước hơn 40.804 tỷ đồng, đạt gần 75% kế hoạch.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn, với mức tăng trưởng 13,07% so với cùng kỳ, chiếm 95,94% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Hầu hết các sản phẩm công nghiệp đều có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, có một số sản phẩm tăng cao ở mức hai con số như giày da 26,96%, bột cá 13,71%, cá hộp 13,14%, khai thác đá 11,61%...

Ở chiều ngược lại, do gặp phải khó khăn về thị trường tiêu thụ nên một số sản phẩm có sản lượng sụt giảm như: Xi măng, clinker, bia, tôm đông, gỗ MDF.

Tiếp đến, tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ phương án phát triển khu, cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vướng mắc tại các khu, cụm công nghiệp, nhất là thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, phương án khắc phục kết luận của Kiểm toán Nhà nước, kêu gọi đầu tư dự án.

Đến nay, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 28 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký 8.337 tỷ đồng; trong đó, có 21 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 7 dự án đang thực hiện thủ tục đất đai, triển khai xây dựng.

Tỷ lệ lấp đầy của khu công nghiệp Thạnh Lộc đạt 63%, khu công nghiệp Thuận Yên (Hà Tiên) đạt 25,84% và cụm công nghiệp Vĩnh Hoà Hưng Nam đạt 89,30%; các khu, cụm công nghiệp đã giải quyết việc làm cho 13.787 lao động.

Ngoài ra, ngành chức năng cùng với các đơn vị liên quan đang hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện thủ tục về đầu tư đối với 3 cụm công nghiệp, gồm: Long Thạnh, Bình An (Châu Thành), Hà Giang và một số cụm nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu.

Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang, chia sẻ 9 tháng năm nay, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì sự ổn định, có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Đơn hàng của một số nhóm ngành có chiều hướng tăng trở lại, nhờ sự hồi phục của thị trường, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Hoạt động của các khu, cụm công nghiệp tiếp tục giữ ổn định; trong đó, đã thu hút thêm một số nhà đầu tư quan tâm, đến tìm hiểu đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp, đầu tư các cụm nhà máy chế biến trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn còn khó khăn, vướng mắc do ảnh hưởng xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục kéo dài, cùng với tình hình căng thẳng leo thang ở khu vực Trung Đông, việc vận chuyển hàng hoá qua eo Biển Đỏ bị cản trở… làm tăng chi phí logistic và giá cả nhiên liệu đầu vào đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt và vượt so với kịch bản tăng trưởng nhưng một số mặt hàng chủ lực như xi măng, clinker, bia, gỗ MDF, tôm đông tiếp tục có xu hướng giảm so với cùng kỳ do khó khăn về thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, chế biến tại một số ngành như thuỷ sản, gỗ MDF… thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp, việc tuyển dụng lao động tại các nhà máy giày da còn khó khăn, mặt bằng lãi suất cho vay tuy có giảm nhưng vẫn còn chậm... đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất của một số nhóm ngành công nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục