Tỉnh Kiên Giang tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản, đảm bảo phù hợp với Luật Thủy sản năm 2017 và tình hình thực tế tại địa phương, phát triển nghề nuôi biển bền vững, hiệu quả.
Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang tiếp nhận, thẩm định hồ sơ của các tổ chức, cá nhân xin cấp phép nuôi trồng thủy sản; chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan khảo sát thực địa, lấy ý kiến tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận về chủ trương nuôi biển, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn chỉnh thủ tục; phối hợp với các đơn vị liên quan thẩm định dự án, cấp phép và cấp mã số cơ sở nuôi biển.
Tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý các hồ sơ đã giao khu vực biển và đang tiếp nhận, tồn đọng.
Trường hợp đăng ký nuôi biển không đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi biển của tỉnh có văn bản trả lời chính thức cho các tổ chức, cá nhân.
Trường hợp đăng ký nuôi biển phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi biển của tỉnh phối hợp với các ngành liên quan đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Các huyện, thành phố có nuôi biển xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp các nghề nuôi trồng thủy sản ven bờ, ven đảo theo hướng tập trung. Đồng thời, liên kết sản xuất bền vững, thích hợp với điều kiện của từng khu vực theo quy hoạch, kế hoạch phát triển nuôi biển của tỉnh.
[Tỉnh Kiên Giang quyết liệt khắc phục “thẻ vàng” của EC]
Các huyện, thành phố chú trọng bố trí các khu vực dành riêng giao cho người dân địa phương sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng bè trên biển hoặc chuyển đổi từ nghề khai thác đánh bắt thủy sản sang nuôi cá lồng bè để ổn định sinh kế, sản xuất lâu dài, hiệu quả.
Các huyện, thành phố có nuôi biển tăng cường việc kiểm tra việc sử dụng khu vực biển đã giao cho các tổ chức, cá nhân để nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Theo đó, xử lý, giải quyết những trường hợp đã giao trước đây đề xuất thu hồi do không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định… Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý dứt điểm tình trạng cào trộm sò, hến nuôi để người dân an tâm sản xuất.
Tỉnh ưu tiên giải quyết các trường hợp đăng ký nuôi biển đối với những đối tượng chuyển đổi cơ cấu nghề từ khai thác thủy sản sang nuôi biển với hình thức liên kết sản xuất, mô hình ứng dụng công nghệ cao; nuôi đối tượng thủy hải sản có giá trị kinh tế cao, ít ảnh hưởng đến môi trường, phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, giai đoạn 2021 - 2025 và hướng đến năm 2030, tỉnh phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái gắn với phát triển du lịch và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển, hải đảo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, số lượng lồng nuôi biển là 7.500 lồng; trong đó, nuôi cá lồng truyền thống 4.700 lồng, nuôi cá lồng công nghệ cao 1.900 lồng, còn lại nuôi thủy sản khác; diện tích nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ 24.000 ha.
Sản lượng nuôi biển đạt hơn 113.500 tấn; trong đó, nuôi lồng bè khoảng 30.000 tấn và nuôi nhuyễn thể hơn 83.660 tấn, sản lượng ngọc trai đạt 260.000 viên; thu hút lao động vào lĩnh vực nuôi biển hơn 18.500 người.
Tỉnh cũng phân chia thành 2 vùng nuôi biển gồm: vùng hải đảo bao gồm huyện Kiên Hải, thành phố Phú Quốc, xã đảo Tiên Hải (thành phố Hà Tiên) và các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương); vùng ven biển bao gồm các xã, phường ven biển thuộc thành phố Hà Tiên và các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất, Kiên Lương./.