Kim ngạch thương mại song phương Việt-Lào tăng trưởng trở lại

Sau thời kỳ sụt giảm trong năm 2015-2016, năm 2017 kim ngạch thương mại song phương Việt-Lào đã tăng trưởng trở lại, ước đạt hơn 900 triệu USD, tăng 10% so với năm 2016.
Kim ngạch thương mại song phương Việt-Lào tăng trưởng trở lại ảnh 1Các đại biểu dự diễn đàn chụp ảnh lưu niệm chung. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 19/12, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương Lào tổ chức “Diễn đàn thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Lào 2017” tại thủ đô Vientiane, nhằm tìm biện pháp nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại song phương giữa hai nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh năm 2017 là một năm hết sức đặc biệt khi hai nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (05/9/1962-05/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2017), khẳng định Diễn đàn hôm nay là một hoạt động hết sức ý nghĩa để góp phần vào chuỗi hoạt động kỷ niệm của Năm Đoàn kết hữu nghị giữa hai nước.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết trải qua một chặng đường dài, quan hệ thương mại của hai nước đã đạt được những thành tựu nhất định và đang ngày càng phát triển. Sau thời kỳ sụt giảm trong năm 2015-2016, năm 2017 kim ngạch thương mại song phương Việt-Lào đã tăng trưởng trở lại, ước đạt hơn 900 triệu USD, tăng 10% so với năm 2016, đạt mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại 10% mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra...

Kim ngạch thương mại song phương Việt-Lào tăng trưởng trở lại ảnh 2Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Quốc Khánh. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng không thể phủ nhận những thành tựu đã đạt được trong hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng của hai nước là đáng tự hào và cần phát huy hơn nữa.

Về phần mình, Thứ trưởng Bounmy Manivong cho biết Diễn đàn thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam-Lào 2017 là cơ hội để các bên liên quan cùng nhau trao đổi ý kiến, tìm kiếm cơ hội và tiềm năng về thương mại và đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác và kinh doanh, đồng thời xem lại những văn bản mà hai bên đã thống nhất trong thời gian qua và cùng nhau tìm ra những biện pháp, giải quyết những khó khăn về thương mại và đầu tư giữa hai nước nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy, tăng cường trao đổi kim ngạch song phương giữa Lào và Việt Nam.

Kim ngạch thương mại song phương Việt-Lào tăng trưởng trở lại ảnh 3Thứ trưởng Bộ Công thương Lào Bounmy Manivong phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Tại Diễn đàn, các diễn giả đã cùng nhau nhìn nhận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong hoạt động thương mại, hoạt động đầu tư gắn với thương mại giữa hai nước Việt Nam-Lào trong thời gian vừa qua cũng như những vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cần tháo gỡ.

Các đại biểu cũng cùng nhau đánh giá hiệu quả các khuôn khổ hợp tác hiện có giữa hai nước; các lĩnh vực cần tập trung để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm tạo thuận lợi và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp của hai nước, đặc biệt là trong việc nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu, kể cả xuất khẩu sang nước thứ ba.

Kim ngạch thương mại song phương Việt-Lào tăng trưởng trở lại ảnh 4Quang cảnh Diễn đàn. (Ảnh: Phạm Kiên/Vietnam+)

Bên cạnh đó, các diễn giả cũng đã dành thời gian trao đổi về những thành công và hạn chế của mô hình “Một cửa - một lần dừng” để góp phần tạo thuận lợi thương mại tại khu vực cửa khẩu giữa hai nước cũng như định hướng và giải pháp phát triển thương mại điện năng giữa Việt Nam và Lào.

Trong phát biểu bế mạc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã chân thành cảm ơn những chia sẻ của các đại biểu tại Diễn đàn; khẳng định sau Diễn đàn này, Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Công Thương Lào sẽ tổng hợp tất cả các ý kiến trao đổi về định hướng phát triển thương mại, đề xuất về cơ chế, chính sách cũng như các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để trực tiếp xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền cũng như báo cáo Chính phủ hai nước xem xét, xử lý các vấn đề nằm ngoài phạm vi công việc được giao của hai Bộ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục