Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 của Kiên Giang tăng gần 100%

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Kiên Giang gồm gạo 28,5 triệu USD, hải sản 38 triệu USD, giày da 20,16 triệu USD và hàng khác hơn 19 triệu USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 của Kiên Giang tăng gần 100% ảnh 1Nông dân thu hoạch lúa Thu Đông. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, tháng 2/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 71 triệu USD, tăng 98,6% so tháng trước và tăng 63,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế 2 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước hơn 106 triệu USD, đạt 12,41% kế hoạch.

Kết quả này cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh tế ngoại thương, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm gạo 28,5 triệu USD, hải sản 38 triệu USD, giày da 20,16 triệu USD và hàng khác hơn 19 triệu USD.

Tỉnh có 48 doanh nghiệp hoạt động kinh tế ngoại thương, xuất khẩu hàng hóa qua hơn 50 thị trường các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

[Giá thu mua lúa Đông Xuân 2022-2023 duy trì ổn định ở mức cao]

Năm 2023, các doanh nghiệp này phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 860 triệu USD, tăng 7,23% so với năm 2022.

Sở Công Thương Kiên Giang đã tổ chức cho các doanh nghiệp ký kết giao ước thi đua về xuất khẩu năm 2023, chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh, giữ vững thị trường truyền thống, tìm kiếm mở rộng thị trường mới, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Theo ngành chức năng tỉnh Kiên Giang, xuất khẩu gạo khởi sắc ngay từ hai tháng đầu năm với kim ngạch tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2022, là tín hiệu tích cực của thị trường xuất khẩu gạo.

Dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi hơn khi nhiều thị trường trên thế giới có nhu cầu nhập khẩu gạo lớn như Trung Đông, châu Âu, Trung Quốc, Philippines... dẫn đến các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nước ta có thêm các đơn hàng mới.

Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh nhấn mạnh Sở cập nhật thông tin, phổ biến các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)..., thông tin tình hình giá cả, thị trường trong và ngoài nước đến các doanh nghiệp để chủ động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu.

Sở thông tin, phổ biến các quy định pháp luật về hội nhập kinh tế quốc tế, những điều kiện xuất nhập khẩu của các nước, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Từ đó, giúp doanh nghiệp khai thác, tận dụng những cơ hội, điều kiện thuận lợi từ các FTA thế hệ mới để mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan thường xuyên rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu.

Tỉnh chú trọng về vốn tín dụng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công nhân lao động, nguồn nguyên liệu, thị trường và các vấn đề khác có liên quan, đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất.

Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh.

Tuy nhiên, dự báo của ngành chức năng, hoạt động kinh tế ngoại thương của tỉnh trong thời gian tới có nhiều thách thức như căng thẳng chính trị trên thế giới chưa hạ nhiệt, nhiều nước bước vào tình trạng suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng đến sức mua trên thị trường toàn cầu.

Mặt khác, với thị trường trong nước, lãi suất ngân hàng cao, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu vẫn còn ở mức cao, giá xăng dầu chưa ổn định... đã tạo thêm áp lực, tác động lên chi phí sản xuất và hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục