Kinh doanh đa cấp biến tướng - Bài 2: Làm rõ các "mánh lới"

Các vi phạm liên quan bán hàng đa cấp rất đa dạng, nhưng chủ yếu tập trung vào hình thức lợi dụng bán hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kinh doanh đa cấp biến tướng - Bài 2: Làm rõ các "mánh lới" ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra sản phẩm tại Công ty VietNet, số 15 Đặng Thùy Trâm, Cầu Giấy (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kinh doanh đa cấp là hình thức kinh doanh được pháp luật Việt Nam công nhận. Theo điều 3, Luật Cạnh tranh, "Kinh doanh đa cấp, hay còn gọi là kinh doanh đa tầng, kinh doanh theo mạng, là việc bán lẻ hàng hóa thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau."

Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, các công ty đa cấp vẫn dễ dàng lách luật với nhiều hành vi lừa đảo tinh vi, để trục lợi bất chính. Và chỉ đến khi cơ quan Công an mạnh tay xử lý, các mánh lới kinh doanh vi phạm pháp luật của các công ty đa cấp mới dần lộ rõ.

Kèm theo những biến tướng

Theo các chuyên gia Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), các vi phạm liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp rất đa dạng, nhưng chủ yếu tập trung vào hình thức lợi dụng việc bán hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các công ty bán hàng đa cấp thường dùng chiêu lừa đưa ra phương thức mua bán hàng giá tốt, rồi yêu cầu khách lôi kéo những người khác tham gia để được hưởng hoa hồng. Bỏ ra số tiền khoảng chục triệu mà chẳng phải lao tâm khổ tứ gì, chỉ trong một thời gian ngắn sẽ thu về hàng trăm triệu lợi nhuận. Một chiếc “bánh vẽ” hoàn hảo khiến nhiều người lao vào như những con thiêu thân.

Một "mánh lới" khác có thể kể đến là công ty kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền, sau đó lôi kéo khách hàng thu lợi bất chính. Còn một số công ty khác có đăng ký hoạt động nhưng triển khai hoạt động không đúng nội dung đăng ký, vi phạm các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp...

Nhiều công ty kinh doanh đa cấp lại quá tinh vi khi không đưa ra hợp đồng, giao kèo gì với người tham gia và vì không ký hợp đồng nên khi người tham gia muốn kiện đòi lại tiền, đương nhiên họ sẽ không có bằng chứng.

Trên thực tế, tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động đa cấp đã quy định rõ: các doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị cấm thực hiện các hành vi như: Yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp… Cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp… Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hoá hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…

Tuy nhiên, nhiều công ty bán hàng đa cấp cố tình vi phạm những quy định nói trên để trục lợi bất chính. Lợi dụng những lỗ hổng của luật pháp, kinh doanh đa cấp đã phát triển mạnh mẽ kèm theo những biến tướng không ai lường hết được. Trong khi đó, chế tài xử lý cũng chưa mạnh tay. Những án phạt hành chính hay rút giấy phép kinh doanh khi bị phát hiện vi phạm chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.

Thời gian gần đây, những vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp có xu hướng mở rộng về địa bàn các tỉnh vùng núi, vùng sâu, vùng xa và các vùng nông thôn, gây nên những bất ổn, xáo trộn trong đời sống nhân dân địa phương. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các công ty đa cấp thoải mái lừa đảo, trục lợi bất chính.

Không chỉ những người dân trí thấp mà cả những tầng lớp có trình độ hiểu biết và từng trải cũng bị lừa. Thực tế không phải ai cũng đủ tỉnh táo để nhận biết được rằng kiếm tiền không thực sự dễ dàng như lời mời gọi "không làm gì cũng có tiền" của các nhân viên đa cấp. Điểm thành công của những kẻ cầm đầu các đường dây đa cấp bất chính là đánh trúng và đánh mạnh vào “lòng tham” và sự cả tin của con người.


Siết hoạt động kinh doanh bất chính

Sau hàng loạt vụ việc đa cấp biến tướng lừa đảo xảy ra gần đây, mà điển hình là công ty Liên kết Việt, dư luận đã đặt ra câu hỏi: vai trò của Bộ Công Thương ở đâu khi những vụ lừa đảo vẫn xảy ra liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân.

Mới đây, Nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Theo chỉ thị này, ông Vũ Huy Hoàng đã giao việc và quy trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong ngành, định kỳ 3 tháng một lần, các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Công Thương.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cũng vừa có văn bản yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp, kinh doanh bán hàng đa cấp chưa được Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cấp phép; lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để huy động tài chính trái pháp luật tại Thủ đô.

Giao cho Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chỉ thị 02 của Bộ Công Thương, đúng nội dung quy định tại quyết định số 42 của Ủy ban Nhân dân thành phố về Quy chế phối hợp quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn Hà Nội.

Cùng với kế hoạch siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh trên địa bàn, các bộ, ngành đang có những động thái tích cực trong xử lý những sai phạm trong bán hàng đa cấp.

Cụ thể, trong tháng 3/2016, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, ra quyết định thu hồi giấy đăng ký kinh doanh của 4 Công ty kinh doanh đa cấp gồm Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Con Đường Việt, Công ty trách nhiệm hữu hạn tầm nhìn Đại Hưng 668, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế TNC và Công ty Cổ phần New Power Việt Nam.

Ngày 4/4/2016, Chánh thanh tra Sở Công Thương Hà Nội đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp với số tiền 420 triệu đồng. Theo đó, doanh nghiệp này bị xử lý vi phạm hành chính với 9 lỗi; trong đó, không thực hiện việc giám sát thường xuyên hoạt động của người tham gia bán hàng đa cấp. Riêng tại Hà Nội, trong quý 1 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát 7 doanh nghiệp, xử lý phạt hành chính 40 triệu đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn My Fortuna và phạt 103 triệu đồng đối với Công ty CP Thương mại Lotus Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng tiến hành kiểm tra hoạt động tại 7 công ty đa cấp gồm Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty trách nhiệm hữu hạn Unicity Maketing Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Amway Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Liên kết Việt Nam, Công ty cổ phần Liên kết Tri thức, Công ty cổ phần Liên Minh tiêu dùng Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhượng quyền Thăng Long, nhằm "siết" hoạt động kinh doanh đa cấp trục lợi bất chính. Qua kiểm tra, sản phẩm của 7 công ty đa cấp bị Bộ Công Thương đưa vào danh sách kiểm tra chủ yếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm. 4 trong số 7 đơn vị này từng bị xử phạt trước đó bao gồm Thiên Ngọc Minh Uy, Vietnet, Unicity và Liên kết Tri thức.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu kết thúc đợt kiểm tra vào cuối tháng 5/2016, qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh đa cấp tại Việt Nam minh bạch và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục